Pháp đình

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế đã nộp khắc phục được 42 tỷ đồng

24/07/2023, 20:10

Phạm Trung Kiên đã nộp lại tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng (gồm cả số tiền trả lại cho doanh nghiệp) trước khi tòa tuyên án.

>>> Phạm Trung Kiên muốn thoát án tử hình, hứa khắc phục hết 42 tỷ đồng

>>> Nhiều bị cáo vụ chuyến bay giải cứu nghẹn ngào, bật khóc nói lời sau cùng

Chiều 24/7, TAND TP Hà Nội đã nhận được giấy tờ biên lai thể hiện gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do người này gây ra trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Một trong ba luật sư bào chữa cho ông Kiên cho hay sau diễn biến trên, Phạm Trung Kiên đã nộp lại tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng trước thời điểm tòa tuyên án vào chiều 28/7.

Ông Kiên là người duy nhất bị Viện kiểm sát (VKS) nhân dân đề nghị tử hình về tội nhận hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu.

img

Phạm Trung Kiên cùng gia đình đã nộp lại khoảng 42 tỷ đồng.

Theo VKS, Phạm Trung Kiên lợi dụng việc được giao làm thư ký giúp việc cho thứ trưởng Bộ Y tế trong việc trình thứ trưởng ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, đã gây khó khăn, yêu cầu đại diện các doanh nghiệp chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt.

Trong vụ án này, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất (253 lần), tổng số tiền lớn nhất (hơn 42,6 tỷ đồng) và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất, theo VKS đánh giá.

Khi vụ án bị khởi tố, Kiên che giấu hành vi vi phạm bằng cách trả lại tiền cho các doanh nghiệp, cá nhân đưa hối lộ tổng cộng hơn 12 tỷ đồng; đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng rằng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân.

Quá trình xét xử, Kiên thừa nhận đã nhận hối lộ số tiền trên. Song bị cáo cho rằng mình không o ép, yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền.

Khi nói lời sau cùng vào chiều 21/7, bị cáo Kiên lý giải thời điểm nhận được tin khởi tố vụ án, ông ta nhận thức sai phạm nhưng lúc đó, bản thân mắc Covid-19, Kiên sợ mình phải đi tù nên không đủ nghị lực ra nhận tội.

Sau thời gian đó, Kiên đã khai báo thành khẩn và thừa nhận toàn bộ sai phạm, chủ động khai báo thêm để giúp cơ quan điều tra có thêm căn cứ giải quyết vụ án.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế mong tòa sơ thẩm cho bị cáo có cơ hội được sống, được hưởng hình phạt tù có thời hạn.

Trong lịch sử tố tụng, một số bị cáo bị VKS đề nghị án tử hình hoặc tòa sơ thẩm tuyên tử hình, nhưng sau khi nộp khắc phục toàn bộ số tiền gây thiệt hại, đã được giảm án về chung thân.

Cụ thể, đầu tháng 5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Sau đó, ông Sơn được một cá nhân giúp khắc phục 32 tỷ đồng trong tổng số tiền tham ô là 49 tỷ đồng.

Ghi nhận bị cáo khắc phục hơn 3/4 số tiền, Chánh án TAND tối cao quyết định giảm hình phạt cho bị cáo xuống chung thân.

Tháng 12/2019, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị VKS đề nghị tổng hình phạt tử hình về hai tội danh. Trước khi tòa tuyên án, gia đình ông Son nộp 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bị cáo nhận hối lộ ba triệu USD.

Trong bản án công bố ngày 28/12/2019, tòa phạt ông này 16 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân do nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt, ông Son lĩnh án chung thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.