Tài chính

Doanh nghiệp “biến nguy thành cơ” trước cú sốc Covid-19

12/01/2021, 09:22

Vẫn có những doanh nghiệp linh hoạt, kịp thời “biến nguy thành cơ” trong thời đại dịch Covid-19 để tồn tại và tăng trưởng...

img

Trong khi đàn bò thịt tiêu thụ chậm (ảnh lớn), Công ty CP T&T 159 đã đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ (vi sinh) nhằm bù đắp vào số doanh thu sụt giảm (ảnh nhỏ)

“Đắt hàng tôi mới trôi hàng bà”

“Hoạt động kinh tế tuần hoàn không những giúp công ty vượt qua được tác động của đại dịch Covid-19 mà vẫn đảm bảo tăng trưởng khi các mô hình đã bù trừ cho nhau”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 Hà Văn Thắng chia sẻ như vậy về kinh nghiệm vượt qua “bão” Covid-19.

Theo đó, T&T 159 gồm 9 công ty thành viên, hoạt động trong ngành chăn nuôi gia súc và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Thời điểm đầu dịch bệnh, trong mấy tháng thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã mất hơn 50% nhân công, doanh thu bị “đánh bay” 60 - 70%.

Trong khi đó, hàng loạt chi phí tăng vọt. Doanh thu sụt giảm hàng chục tỷ đồng/tháng, chưa kể những hao hụt phát sinh…

Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian đó, ông Thắng nhận thấy, dịch có đến đâu đi nữa thì việc trồng trọt vẫn không thể dừng, việc đảm bảo môi trường, chuồng trại vẫn cần thiết. Do vậy, ông đã tổ chức lại sản xuất bằng cách tập trung thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp, tận thu toàn bộ phế thải từ đàn gia súc sẵn có để làm phân bón vi sinh thay vì dừng lại ở công đoạn cung cấp phế phẩm sinh học cho các đơn vị làm phân bón vi sinh như trước.

Theo ông Thắng, việc làm phân bón vi sinh đã được manh nha từ trước dịch Covid-19. Tuy nhiên sự giảm sụt mạnh doanh thu đã tạo “đòn bẩy” tăng tốc cho sản phẩm này để “cứu” doanh nghiệp.

"Hiện tại, trong chuồng luôn duy trì mức 5.000 con bò thịt, lượng thải trung bình khoảng 100 tấn phân mỗi ngày và ngưỡng 20 - 30 lít nước tiểu mỗi con nên nguồn chất thải rất lớn. Từ nguồn này và thu mua thêm từ các trang trại, công ty sản xuất tại chỗ được hơn 100 - 200 tấn phân bón vi sinh mỗi ngày, mang lại doanh thu 400 - 800 triệu đồng. Đây là nguồn lợi nhuận đáng kể giúp doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng cùng với phân khúc phế phẩm nông nghiệp để trang trải chuồng trại trong khi đàn bò thịt tiêu thụ chậm. Nhờ vậy, doanh thu toàn hệ thống của T&T 159 vẫn tăng trưởng 5 - 10% trong năm nay”, ông Thắng khoe.

“Phải nói rằng, câu “đắt hàng tôi mới trôi hàng bà” đã diễn tả đúng nhất sự liên doanh, liên kết kinh doanh trong bối cảnh lần đầu tiên thế giới đối diện với sự đứt gãy chuỗi cung cầu. Tức là, trong một hệ sinh thái, cái mạnh sẽ bổ trợ cho cái bên cạnh”, ông Thắng đúc kết.

Cũng đi qua khó khăn của đại dịch nhờ mô hình liên kết, chia sẻ chéo, ông Hà Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tài Anh (Hải Phòng) chia sẻ: Công ty Tài Anh hoạt động đa ngành nghề như trồng rừng, sản xuất đồ gỗ, xây dựng, logistics, thương mại xuất nhập khẩu, du lịch, bất động sản, mạng lưới kinh doanh khắp cả nước và 18 nước trên thế giới, với mức tăng trưởng trên 20% mỗi năm.

Đặc biệt, mảng kinh doanh dịch vụ logistics, cung ứng gỗ nguyên liệu, đồ gỗ nội thất, nhà gỗ của tập đoàn tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã mang lại doanh thu lớn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Mặc dù doanh thu năm 2020 ước giảm khoảng 30%, nhưng ông Tuấn Anh khá tự tin khi khẳng định “năm sau sẽ bứt phá”: “Khi thị trường xuất khẩu gỗ đứng hoàn toàn, tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh, tôi đã bật chế độ an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất, cho nghỉ khoảng 100 nhân viên ở những vị trí không thiết yếu trong tổng số hơn 4.000 lao động.

Quan trọng nhất là chúng tôi dồn sức tập trung tái cơ cấu và đẩy mạnh mảng xây dựng ở các công trình giao thông thủy lợi, đường sá cả ở trong và ngoài nước…”, ông Tuấn Anh nói.

Theo vị tổng giám đốc này, việc phát triển đa ngành nghề với mô hình kinh tế tuần hoàn và định hướng bền vững đã giúp công ty ông có sự chuyển hướng kịp thời và nhìn nhận những hướng đi tương lai. Chẳng hạn, khi gỗ khó xuất khẩu, công ty tập trung phát triển trong nước và cũng dần gắn nó vào các công trình xây dựng để bổ trợ nhau.

Tự cứu mình trước khi chờ được cứu

Dù doanh thu năm 2020 thấp hơn một chút so với năm trước, song ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Kim Long (Nghệ An) cho rằng: “DN nào giữ được mức doanh thu tăng trưởng của năm trước đã là “một tăng trưởng ấn tượng”.

Covid-19 cũng là cơ hội để thúc đẩy công nghệ thông tin, số hóa trên tất cả mọi lĩnh vực từ sản xuất dịch vụ, hoạt động thương mại đến học tập, kết nối của con người khiến cho dòng chảy kinh tế không bị gián đoạn. DN nào nhanh chóng tiếp cận và phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến, gia tăng xu hướng chuyển dịch thị trường, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số để tiết kiệm chi phí và thích ứng linh hoạt sẽ tăng cơ hội tồn tại, phát triển.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ như: Thi công biển hiệu quảng cáo, cung cấp linh kiện điện tử, cung cấp thiết bị chiếu sáng… khi dịch Covid-19 ập đến, Kim Long đã nhanh chóng thiết lập chế độ làm việc từ xa. Đồng thời, tăng cường thông tin trên các phương tiện trực tuyến để khách hàng có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm, dịch vụ mà không phải đến tận nơi.

Nhờ nhanh chóng thích nghi với phương thức làm việc mới, doanh nghiệp này đã “làm không hết việc” trong những ngày cách ly. Doanh thu những tháng sau cách ly tăng cao gấp 3 - 4 lần và ước tính năm nay sẽ đạt mức doanh thu 17 - 18 tỷ đồng của năm trước.

Công ty CP Dịch vụ Hàng Xanh (Haxaco) - doanh nghiệp phân phối thương hiệu xe Mercedes - Benz cũng là một trong số những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu đạt 1.741 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước thuế của Haxaco trong quý III/2020 đạt 64 tỷ đồng, tăng vọt lên 253% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của công ty đạt 80 tỷ đồng, tăng 43%.

Để có được những kết quả này, ban lãnh đạo công ty đã phải xây dựng chiến lược cắt giảm chi phí. Cùng với đó, công ty đã tận dụng tối đa cơ hội khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước đi vào hiệu lực. Cả 4 đại lý của Haxaco đều vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng và nằm trong Top đầu đại lý về doanh số bán xe Mercedes - Benz.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết, năm 2020 là một năm vô cùng gian nan với cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ, hay các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc tại các địa bàn khó khăn.

Đây là nhóm DN yếu thế đang chịu thiệt thòi do khó khăn về nguồn lực. Họ cũng rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ và phần lớn trụ được là phải tự tìm cách cứu mình. Số liệu khảo sát từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân và VCCI cho thấy, 78% DN được điều tra chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ và có một tỷ lệ khá cao DN chưa biết đến các gói chính sách này.

“Nhưng đây cũng là 1 năm mà sự kiên cường và khả năng chống chịu của DN được thể hiện khá rõ ràng. Trong đó, sự phát triển của cộng đồng DN là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để chúng ta có được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đều “lao dốc”, ông Lộc nói.

Qua câu chuyện của những doanh nghiệp trụ vững sau dịch bệnh, ông Lộc chia sẻ: “Thực tiễn một năm qua chính là bài học quý giá cho chúng ta định hình lại tương lai của mình, chiến lược và mô hình kinh doanh để hướng đến một đích đến là phải phát triển bền vững, coi trọng cả vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.