Bố trí vị trí làm việc giãn cách để phòng dịch Covid-19 tại Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm
Siết các giải pháp phòng dịch để duy trì sản xuất
Những ngày đầu tháng 6, trong cái nắng nóng như đổ lửa, anh Phạm Trung Thanh, tổ trưởng tổ hàn 3 (Phân xưởng Vỏ 3, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm) vẫn mũ áo bảo hộ kín mít và tất nhiên không thể thiếu chiếc khẩu trang phòng chống lây nhiễm Covid-19. Không chỉ anh, các đồng nghiệp ai cũng vậy, tất cả miệt mài làm việc cho kịp tiến độ bàn giao tàu cho khách hàng.
Anh Thanh chia sẻ, tuy có phần khó chịu nhưng ai cũng tuân thủ nghiêm, phần vì công ty quy định rất chặt, ai không thực hiện sẽ bị phạt, phần vì mọi người đều giữ cho bản thân, gia đình.
"Đang dịch Covid thế này, bao nhiêu người bị ảnh hưởng, người thiếu việc, thậm chí mất việc. Nhưng mình vẫn được công ty lo đủ việc làm, thu nhập ổn định thì phải tuân thủ các biện pháp, quy định phòng dịch cho tốt, không để lây lan dịch bệnh", anh Thanh nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho biết, không chỉ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này mà từ khi xảy ra dịch đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi luôn triển khai các giải pháp phòng chống chặt chẽ, nghiêm túc. Ngoài các biện pháp chung như: đo thân nhiệt, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, phun khử khuẩn, đeo khẩu trang... công ty còn thực hiện nhiều biện pháp riêng.
Trong đó, có tạm dừng toàn bộ các xe ca đưa đón cán bộ, công nhân, yêu cầu mọi người động phương tiện di chuyển của cá nhân. Thực hiện chia số lượng người ăn ca tại công ty làm hai nhóm ăn, thời gian lệch nhau 15 phút để giãn cách số lượng người tập trung cùng lúc; Đồng thời lắp các vách ngăn tại toàn bộ bàn ăn khu vực nhà ăn ca để hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người lao động.
Nhà ăn giữa ca ở Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm có vách ngăn ở khu vực bàn ăn để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người lao động khi ăn ca
“Chúng tôi xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp trong trường hợp xuất hiện người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, trong đó đã có kịch bản cho từng tình huống cụ thể có thể xảy ra. Cùng đó, dự trù cơ sở hạ tầng, vật tư y tế, vật dụng sinh hoạt, kinh phí, đảm bảo có thể thực hiện cách ly tạm thời tại công ty trong khi vẫn duy trì sản xuất, nếu được phép”, ông Hải cho biết.
Tương tự Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm, ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) cho biết, hiện đang là mùa cao điểm về sửa chữa tàu, cần tập trung nhân lực để thực hiện các đơn hàng sửa chữa cho chủ tàu đúng tiến độ. Vì thế số người làm việc tại nhà máy lên đến 200-300, bao gồm CBCNV nhà máy, lực lượng thầu phụ, khách hàng, thuyền viên.
“Nếu có người nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD. Nhất là trong tình hình dịch diễn biến rất phức tạp tại khu vực TP. HCM, phải giãn cách xã hội toàn thành phố và phong tỏa một số khu vực. Một số lao động của chúng tôi có nhà ở khu vực phong tỏa hiện không đi làm được”, ông Châm nói.
Ông Châm cũng cho biết, để phòng dịch, ngay cổng ra vào đã bố trí đo thân nhiệt đối với toàn bộ người đến cơ quan làm việc, liên hệ công tác, bao gồm CBCNV, lao động của thầu phụ, khách đến làm việc... Đồng thời, bố trí phòng để mọi người khai báo y tế qua quét mã QR, tránh dồn ứ tại cổng vào đầu giờ làm việc.
Tại các vị trí làm việc đều để dung dịch sát khuẩn để mọi người sử dụng thường xuyên. Thực hiện chia ca ăn trưa để giãn cách tại khu vực nhà ăn. Cùng đó bố trí các vị trí làm việc cách xa nhau như ở xưởng một nhóm, ở mũi tàu một nhóm, ở hầm tàu một nhóm; mặt khác chia ca kíp hợp lý để không tập trung quá đông người ở một khu vực...
Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn tại mọi vị trí để tiện sử dụng, phòng Covid-19
Chăm lo đời sống người lao động mùa dịch
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó TGĐ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, việc làm tại các doanh nghiệp chuyên đóng tàu, sửa chữa tàu tương đối ổn định.
Tuy nhiên, do dịch bùng phát trở lại trên thế giới, nên ảnh hưởng đến du lịch, vận tải biển, kéo theo nhiều chủ tàu xin hoãn, giãn tiến độ thực hiện hợp đồng đóng tàu. Có đơn vị ảnh hưởng trực tiếp doanh thu dịch vụ như cảng Chân Mây do không được đón tàu du lịch quốc tế...
“Vì vậy, Tổng công ty đã chỉ đạo các doanh nghiệp siết chặt các giải pháp phòng dịch, đồng thời tích cực tìm kiếm việc làm để duy trì sản xuất, ổn định đời sống người lao động”, ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Đức Chuyên, Phó Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng chia sẻ, các cấp công đoàn có nhiều hoạt động tham gia phòng chống dịch và chăm lo đời sống người lao động; Phối hợp với chuyên môn đồng cấp để thực hiện công tác trang bị, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho đoàn viên, người lao động.
Đồng thời quan tâm, hỗ trợ cho những trường hợp phải nghỉ làm để cách ly theo yêu cầu và những người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, Công đoàn Tổng công ty đã hỗ trợ 194 triệu đồng cho 194 đoàn viên, người lao động, mỗi người 1.000.000 đồng.
Cùng đó, chúng tôi cũng dành 50 triệu đồng để cùng với các đơn vị trong khối thi đua 9 công đoàn tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kịp thời hỗ trợ các hoạt động trên tuyến đầu chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trong Tháng Công nhân - tháng 5/2021, Công đoàn SBIC đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn và tai nạn lao động nặng. Cụ thể, tặng quà cho 37 đoàn viên, CNLĐ với giá trị 1.000.000 đồng/người; Trợ cấp 2 triệu đồng cho 1 CNLĐ bị tai nạn lao động nặng; Trợ cấp cho con gia đình CNLĐ khó khăn 1 xe đạp giá trị 2,5 triệu đồng; Hỗ trợ kinh phí cho 2 đơn vị khó khăn để trang bị quạt chống nóng, đèn và giường y tế phục vụ khám bệnh cho người lao động với tổng số hơn 12,2 triệu đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận