Hàng hải

Doanh nghiệp đóng tàu lo sắp không tuyển được người làm

17/11/2020, 06:26

Tình trạng công nhân bỏ việc, thiếu hụt lao động chất lượng cao những năm qua khiến những doanh nghiệp đóng tàu lo ngại.

img
Thợ đóng tàu phải chịu tiếng ồn, bụi và nhiều khi phải chui trong két kín làm việc

Mất hàng trăm lao động trong vài năm

Càng gần cuối năm, nhịp lao động sản xuất tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long càng thêm hối hả để kịp bàn giao sản phẩm cho khách hàng, hoàn thành kế hoạch cả năm.

Vừa giám sát kĩ thuật lắp thiết bị trên con tàu du lịch đóng mới, anh Nguyễn Duy Quảng, kỹ sư Phòng Kỹ thuật chia sẻ, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng việc làm vẫn ổn định, không ai bị thiếu việc làm.

Theo anh Quảng, thu nhập người lao động tại nhà máy theo sản phẩm. Như anh hiện tại khoảng 9 - 10 triệu/tháng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung ở khu vực Hạ Long, mức thu nhập trên còn thấp, trong khi làm ở nhà máy đóng tàu công việc rất nặng nhọc.

Chính vì vậy, cách đây hơn một năm, anh Quảng bỏ việc nhà máy đi làm nghề du lịch với mức thu nhập cao hơn. Nhưng vì Covid-19, du lịch “đóng băng” nên anh mới xin quay lại nhà máy làm việc.

“Tôi học Đại học Hàng hải chuyên khoa máy, ra trường làm đúng ngành nghề, đã gắn bó được 10 năm rồi, bỏ việc thực sự rất tiếc”, anh Quảng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long cho biết, trường hợp anh Quảng chỉ là số ít quay trở lại nhà máy trong hàng trăm lao động đã rời bỏ đi tìm kiếm việc làm nhàn hơn, ổn định hơn hoặc có thu nhập cao hơn.

“Khoảng 5 - 7 năm gần đây, chúng tôi mất rất nhiều lao động, cả kỹ sư, cán bộ kĩ thuật lâu năm làm công tác quản lý, công nhân lành nghề. Dù công ty luôn cố gắng đảm bảo việc làm, thu nhập cũng như các chế độ chính sách, phúc lợi xã hội để giữ chân người lao động, nhưng vẫn bị “chảy máu” nhân lực chất lượng cao. Từ chỗ năm 2014 có 1.400 CBCNV, nay chúng tôi chỉ có 900 CBCNV, đã bao gồm cả tuyển bổ sung”, ông Tuấn Anh nói.

“Vốn dĩ ngành đóng tàu nặng nhọc, vất vả, cộng với việc lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến người lao động không yên tâm gắn bó với đơn vị, với ngành. Trong khi đó, các khu công nghiệp mọc lên nhiều, mức lương cạnh tranh hơn”, ông Tuấn Anh nói.

Đến trường tuyển sinh viên cũng không được

img
Tàu đợi vào sửa chữa tại Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng

Thực tế, đây là tình trạng chung của ngành đóng tàu thủy hiện nay. Ông Trần Hữu Chiến, Phó tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết, khó khăn lớn nhất của đơn vị là thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

Để đáp ứng lượng công việc đang thực hiện, Phà Rừng cần đến 1.000 lao động. Trong đó, ngoài khoảng 200 lao động của thầu phụ thì vẫn cần đến 800 lao động cơ hữu. Nhưng 3 năm vừa qua, đã nghỉ việc khoảng 130 người, hiện chỉ có khoảng 650 CBCNV.

Hiện, tuyển lao động mới rất khó, dù thu nhập tại nhà máy không phải thấp (bình quân trên 10 triệu/người/tháng). Tuổi đời của lứa kỹ sư, thợ lành nghề hiện nay tương đối lớn. Như tại Phà Rừng, tuổi bình quân công nhân là 33. Trong khi để đào tạo 1 thợ đóng tàu xuất khẩu thường mất 3 - 4 năm, với chi phí khoảng 40 - 50 triệu đồng, phải có chứng chỉ quốc tế…

“Khoảng thời gian khủng hoảng của Vinashin gây ra tâm lý không tốt, giờ không ai muốn đầu quân vào cơ sở đóng tàu. Đến trường Đại học Hàng hải giờ cũng không tuyển được sinh viên theo học kỹ sư ngành vỏ, đóng tàu…, mất hẳn một thế hệ lao động ngành đóng tàu. Nếu tình hình cứ như hiện nay thì chỉ khoảng 5 năm nữa là hết người làm”, ông Chiến bày tỏ lo lắng.

Ông Chiến cũng cho biết, áp lực tài chính là khó khăn lớn của các doanh nghiệp đóng tàu. Hậu Vinashin, các doanh nghiệp còn tồn tại số nợ cũ quá lớn; vốn không có; khả năng đi vay vốn để đóng tàu cũng không có.

“Chính vì thế, đi đấu thầu đóng mới tàu ở nước ngoài không cạnh tranh nổi. Vì khi đi chào hàng, tham gia đấu thầu phải có hồ sơ, không có vốn thì phải vay vốn, nhưng lãi vốn vay thương mại rất cao, trong khi lợi nhuận lại thấp”, ông Chiến cho hay.

Ông Trần Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc SBIC cho biết, đây là những khó khăn, tồn tại mà các cơ sở đóng tàu phải đối mặt nhiều năm qua.

“Không có vốn, phương án tái cơ cấu, gồm tái cơ cấu tài chính chưa được các cấp thẩm quyền quyết định, do đó các doanh nghiệp hiện nay chỉ tính ngắn hạn và trung hạn, còn dài hạn như mở rộng đầu tư, phát triển công nghệ… thì không tính đến. Lao động mới thì không tuyển dụng được, lao động cũ thì chảy máu chất xám. Nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ giảm năng lực của các cơ sở đóng tàu, rất lãng phí cơ sở hạ tầng thiết bị đã được đầu tư”, ông Đạt nói.

Đóng tàu vẫn phải “tự bơi”

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2290 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên sắp xếp lại các nhà máy đóng và sửa chữa tàu phù hợp với các đề án tái cơ cấu SBIC và các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực tàu thủy; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp tàu thủy; Đẩy mạnh đổi mới công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu; Xây dựng cơ chế, chính sách về vốn, thuế phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp tàu thủy…

Tuy nhiên, từ đó đến nay các doanh nghiệp đóng tàu SBIC vẫn đang phải vật lộn, “tự bơi” nhằm tìm kiếm việc làm, duy trì sản xuất, giữ chân người lao động và trả các khoản nợ từ thời Vinashin. “Tôi làm lãnh đạo công ty từ năm 2011 đến nay chưa bao giờ biết đến khái niệm ngân hàng cho vay vốn, kể cả bằng hình thức thế chấp tài sản, đất đai. Anh em phải tự xoay xở, duy trì nhà máy”, Tổng giám đốc Đóng tàu Hạ Long Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng và cho biết, công ty chọn giải pháp an toàn là gia công đóng mới cho chủ tàu để không phải lo khoản vốn đối ứng khi đi đấu thầu thực hiện sản phẩm đóng mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.