Đón đầu cơ hội này, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã bắt đầu chuẩn bị nguồn lực. Điều họ trông chờ là cơ chế hỗ trợ từ nhà nước để có thể sớm nhập cuộc.
Tự tin đủ năng lực tham gia
Trung tuần tháng 11/2024, đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trở về sau chuyến công tác gần 10 ngày tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) tại Trung Quốc.
"Tại chuyến đi này, chúng tôi còn hủy cả máy bay để trải nghiệm các tuyến ĐSTĐC ở nước bạn như: Bắc Kinh - Trịnh Châu, Bắc Kinh - Thượng Hải, một số tuyến đường sắt ở Quảng Châu.
Tìm hiểu kinh nghiệm ở một số quốc gia có mạng lưới ĐSTĐC phát triển, chúng tôi tự tin có thể làm tốt các hạng mục công trình xây lắp nếu được trao cơ hội khi Việt Nam đầu tư ĐSTĐC", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo ông, việc chuyển hướng tiếp cận, tiến tới tham gia, làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt nói chung, nhất là ĐSTĐC đã sớm được xác định trong nghị quyết của Đảng ủy và chiến lược sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Doanh nghiệp đã liên kết với Trường Đại học GTVT mở lớp đào tạo 58 kỹ sư đường sắt và tìm hiểu các đối tác để liên kết, hợp tác chuyển giao công nghệ.
Nhìn nhận về năng lực của doanh nghiệp giao thông Việt Nam hiện nay, đại tá Nguyễn Tuấn Anh thẳng thắn: Nếu không trải qua các dự án giao thông trọng điểm vừa qua, các nhà thầu trong nước đã bị tụt hậu quá xa về công nghệ thi công.
Thế nhưng, từ năm 2020 trở lại đây, đặc biệt từ thời điểm dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai, khối nhà thầu giao thông Việt Nam đã có sự sàng lọc, phân hóa. Trong đó, các nhà thầu mạnh sẽ đủ sức để tham gia dự án ĐSTĐC.
"Thiết kế dự án đường bộ hay ĐSTĐC vẫn có cầu, nền đường, hầm - những hạng mục gần như chúng ta đã làm chủ công nghệ thi công. Có chăng, một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, đòi hỏi tính chính xác cao hơn thì nhà thầu sẵn sàng học hỏi bổ sung.
Chúng tôi còn tính đến phương án liên danh với các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các hạng mục khó, tích lũy kinh nghiệm để tự chủ các phần việc sau đó", ông Tuấn Anh nói.
Chuẩn bị sẵn nguồn lực
Các hạng mục công việc tại gói thầu CP1A đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho việc vận hành, Ban lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 lại ngồi họp bàn lên phương án tiếp cận dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.
Chúng ta đã thiết kế, thi công nhiều hầm cho đường bộ cao tốc. Song, đường hầm cho ĐSTĐC với vận tốc 350km/h sẽ xuất hiện áp suất khí quyển cùng hiệu ứng pittong phát sinh khi tàu di chuyển qua như thế nào? Giải pháp vật liệu và công trình hầm để chịu được tác động đó ra sao là câu hỏi lớn cần trả lời.
Kinh nghiệm của các nước mà cụ thể là Trung Quốc, thi công các công trình hạ tầng đường sắt không cần nhiều người như trước đây mà robot, trí tuệ nhân tạo (AI) đã đảm nhận các công việc nguy hiểm và tốn sức lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn tham gia dự án này, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị con người và tri thức để sẵn sàng đối mặt với yêu cầu rất khác với kinh nghiệm của chính mình.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng)
"Với lợi thế từng tham gia dự án metro Bến Thành - Suối Tiên và Cát Linh - Hà Đông, có sẵn hệ thống quản lý, cả nghìn kỹ sư, công nhân, chúng tôi hoàn toàn có khả năng tham gia hầu hết các hạng mục từ phần hạ tầng xây dựng đến thiết bị.
Cienco4 có nhiều đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết", ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 chia sẻ.
Là một trong những doanh nghiệp thi công cao tốc nhiều nhất Việt Nam, từng góp mặt trên nhiều công trình cầu lớn, kỹ thuật phức tạp, lộ trình nhập cuộc dự án ĐSTĐC cũng đang được Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) từng bước hoạch định cụ thể.
"Cử nhân sự đi đào tạo, học hỏi kinh nghiệm ở một số quốc gia đi đầu về ĐSTĐC như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… là bước đi đầu tiên chúng tôi tính tới.
Chúng tôi tính mở viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Tại đây, Phương Thành Tranconsin sẽ mời các chuyên gia giỏi, các "tổng công trình sư" quốc tế có kinh nghiệm trao đổi chuyên môn, định vị rõ các hạng mục công việc có thể tham gia", ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin thông tin.
Đón đầu dự án ĐSTĐC, thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả cũng là một trong những đơn vị đang dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm đầu tư từ nhiều quốc gia và chú trọng công tác đào tạo nhân lực.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc tập đoàn, cùng với đào tạo nhân lực tại chỗ, đơn vị cũng tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các trường như Học viện Công nghệ Singapore (IT), Trường quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc "nhập khẩu" chương trình và chuyên gia đào tạo.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhiều doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm thi công dự án giao thông cũng đã "lên dây cót", sẵn sàng tiếp cận dự án ĐSTĐC như Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính; Fecon; Tập đoàn Xây dựng Miền Trung; Tổng công ty Công trình đường sắt…
Để doanh nghiệp Việt không thua trên sân nhà
Ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, quá trình nghiên cứu, tư vấn đã rà soát, đánh giá về phần kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp trong nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu về xây dựng công trình cầu, hầm, đường.
"Quy mô các hạng mục công trình xây dựng rất lớn, bên cạnh chuẩn bị về nguồn lực, việc tìm kiếm các đối tác, nhà thầu mạnh ở nước ngoài để liên danh, liên kết tham gia các gói thầu là điều các nhà thầu Việt Nam cần cân nhắc", ông Tuân nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho rằng, quá trình xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, nếu yêu cầu doanh nghiệp đã từng tham gia một công trình tương tự sẽ là trở ngại cho các doanh nghiệp trong nước, bởi ở Việt Nam chưa có một tuyến ĐSTĐC nào.
Do vậy, các cơ quan quản lý cần căn cứ quy mô doanh nghiệp trong nước, quy mô dự án, tính chất công việc để xây dựng tiêu chí phù hợp, tạo điều kiện cho các nhà thầu giao thông Việt tham gia.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ, cấp có thẩm quyền cần ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tham gia, đặc biệt về cơ chế lựa chọn nhà thầu. Nếu không, các doanh nghiệp có thể thua ngay trên sân nhà.
Đồng thời, chỉ đạo xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, từ khảo sát, thiết kế, thi công, xây lắp, nghiệm thu, tránh tình trạng vừa làm, vừa xây dựng tiêu chuẩn.
Chuyển giao công nghệ thế nào?
Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ thế nào sau khi đầu tư ĐSTĐC là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Ông Chu Văn Tuân cho biết, kinh nghiệm của các nước cho thấy, có nhiều phương án chuyển giao công nghệ.
Việc chuyển giao có thể thực hiện từng phần như Indonesia thành lập một liên danh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để triển khai. Hay ở Trung Quốc, họ tổ chức lực lượng trong nước nghiên cứu, phát triển công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ.
Tỷ lệ, thời gian chuyển giao công nghệ phụ thuộc trình độ trong nước và quan điểm phát triển công nghệ của quốc gia. Việt Nam làm chủ ở mức độ nào còn liên quan đến chi phí đầu tư, sản phẩm có giá trị công nghệ cao sẽ có giá thành, mức độ chuyển giao cụ thể.
Dưới góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho rằng, Việt Nam chỉ có thể nhận chuyển giao công nghệ ĐSTĐC ở một mức độ nhất định bởi có những vật tư, thiết bị thuộc công nghệ vật liệu, thuộc công nghệ lõi mà các nhà cung cấp sẽ giữ bí quyết.
Ví dụ, sản xuất ray, về định hình ray, Việt Nam làm được, nhưng bí quyết công nghệ của nhà cung cấp là về công nghệ vật liệu, về luyện thép thì chưa chắc họ chuyển giao. Như Hàn Quốc có nền công nghiệp rất mạnh cũng phải mất 20 năm mới làm chủ được sản xuất đoàn tàu tốc độ cao KTX nhưng vẫn chưa thể làm chủ 100%.
Nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ tạo "cú hích" cho công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp khác phát triển, từ bài học của các quốc gia khác, theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng cục Đường sắt VN, tại Việt Nam, các doanh nghiệp về chip, mạch điện tử như VNPT, Viettel hay sản xuất ô tô như Trường Hải đều có thể tham gia được. Các doanh nghiệp này không chỉ sản xuất các linh kiện điện tử, phụ kiện hay ô tô mà có thể làm công nghiệp phụ trợ đường sắt.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng:
Doanh nghiệp Việt phải đảm đương, làm chủ
Quốc hội vừa thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp thu, đồng thời phát biểu làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu.
Ngoài các nội dung như tốc độ thiết kế, công năng, giao thông kết nối, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thông tin rõ nhiều vấn đề khác như công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn đối tác…
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, dự kiến, khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sẽ có 2 doanh nghiệp tương đối độc lập tách ra từ Tổng công ty Đường sắt, bao gồm một doanh nghiệp phụ trách hạ tầng, một doanh nghiệp phụ trách việc khai thác. Với kinh nghiệm vận hành hiện nay thì không phải trở ngại lớn.
Ông nhấn mạnh, hiện nay công tác đào tạo đang được chuẩn bị cực kỳ công phu nên năng lực vận hành không quá đáng lo.
Về vấn đề chuyển giao công nghệ, theo Bộ trưởng, trước nay chúng ta nói rất nhiều về chuyển giao công nghệ, yêu cầu đối tác chuyển giao nhưng không rõ chuyển cho ai, dẫn đến chưa thực hiện thành công. Còn hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GTVT đã triển khai chủ động, lựa chọn một số doanh nghiệp lớn để chỉ định hợp tác và nhận chuyển giao.
Bộ GTVT đã tiếp xúc làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để sau này khi triển khai sẽ chỉ định đây là các doanh nghiệp quốc gia, được tham gia chuyển giao công nghệ.
Còn về chuyển giao những gì, theo ông phải lựa chọn vấn đề gì cốt tử để nhận: "Việc chuyển giao công nghệ lõi là chưa cần thiết vì nhu cầu xây thêm trong nước chưa cao, chúng ta chưa hy vọng có thêm các tuyến đường sắt cao tốc khác nữa".
Mặt khác, công nghệ thi công xây dựng, sản xuất đầu máy toa xe và đặc biệt là bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, là phải chuyển giao được. "Đó là vấn đề cốt tử với chúng ta vì việc bảo trì, bảo dưỡng nâng cấp tốn rất nhiều kinh phí, chi phí. Nếu phụ thuộc đối tác nước ngoài thì rất tốn kém. Cho nên, dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải đảm đương, làm chủ", ông nhấn mạnh.
"Đường sắt tốc độ cao - cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt"
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Qua thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết của dự án, đồng thời cần triển khai nhanh để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó cũng có một số đại biểu góp ý cần tính toán nguồn vốn thật kỹ, cũng như khâu giải phóng mặt bằng phải làm quyết liệt ngay từ đầu để tránh câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ.
Hôm nay (19/11), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề "Đường sắt tốc độ cao - cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" để cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia cùng trao đổi, hiến kế, tham vấn vào quá trình hoạch định kế hoạch triển khai dự án.
Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Báo Giao thông điện tử, với sự tham gia của lãnh đạo Ban QLDA đường sắt, Hiệp hội nhà thầu xây dựng VN, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cùng lãnh đạo nhiều tập đoàn xây dựng, giao thông lớn tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận