Tạo cơ chế phát triển GTVT hiện đại, đồng bộ
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV làm trưởng đoàn.
Phát biểu đánh giá cao các kết quả đã đạt được của Bộ GTVT trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như xây dựng báo cáo chuẩn bị cho công tác xây dựng văn kiện Đại hội XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, lĩnh vực GTVT và xây dựng KCHT GTVT luôn được Đảng xác định là một trong những nội dung quan trọng của ba đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, với tầm nhìn mới, thích ứng mới và tận dụng các cơ hội mới.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GTVT cần đánh giá rõ, chi tiết hơn trong báo cáo những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Như về kết quả, cần khẳng định được các kết quả trong triển khai thực hiện nghị quyết về đầu tư xây dựng hạ tầng, vận tải.
Cùng đó nêu bật được tại sao đạt được kết quả này, như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần quyết liệt thực hiện "giao thông đi trước"; đầu tư trọng tâm, trọng điểm; hạ tầng không chỉ phát triển về tốc độ mà mang lại hiệu quả cao.
Bộ GTVT cũng cần nêu rõ những khó khăn, thách thức, nguyên nhân vướng mắc. Từ các quy định pháp luật thì đề xuất sửa đổi Luật; từ cơ chế, chính sách trong tổ chức triển khai, huy động nguồn lực thì kiến nghị cụ thể.
"Cần mô tả rõ mục tiêu phát triển KCHTGT giai đoạn tới. Đặc biệt lưu ý, phát triển mạng lưới GTVT phải đồng bộ, từ trục dọc Bắc - Nam đến kết nối trục ngang, kết nối vùng và kết nối quốc tế. Cùng đó chú trọng những hướng mới trong đột phá về hạ tầng, vận tải gắn với các xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng...", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên đoàn công tác và sẽ bổ sung, làm rõ trong dự thảo báo cáo, để đáp ứng các yêu cầu đề ra của Tiểu ban Văn kiện.
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ GTVT đã triển khai quyết liệt nhiều nội dung, giải pháp.
Điểm nổi bật trong thực hiện đột phá chiến lược xây dựng KCHTGT đồng bộ, hiện đại là lần đầu tiên 5 quy hoạch chuyên ngành (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không) được nghiên cứu, xây dựng đồng thời; trong đó xác định lưu lượng, phân bổ nhu cầu vận tải cho các phương thức. Lấy cảng biển làm trung tâm, để định hướng phát triển các phương thức khác, có kết nối cảng biển.
Vì vậy, quy hoạch đảm bảo tổng thể, toàn diện, có tầm nhìn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các phương thức nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng phương thức.
Trên cơ sở quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển của từng giai đoạn và khả năng nguồn lực.
Cùng đó, huy động tối đa nguồn lực, gồm nguồn lực trong nước từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp trong nước và nguồn lực nước ngoài từ vốn ODA, các nhà đầu tư... Điều này hết sức quan trọng và có ý nghĩa đột phá vì đi cùng với nguồn lực nước ngoài là chuyển giao công nghệ.
"Phát triển KCHTGT phải đảm bảo hiện đại, "đi tắt đón đầu", công nghệ nước ngoài có gì, Việt Nam dứt khoát cũng phải có. Cùng đó phải phát triển phương tiện vận tải. Gắn với đó phải phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ. Muốn vậy phải hình thành được các doanh nghiệp đủ mạnh. Như lĩnh vực đường sắt, phải có được doanh nghiệp tư nhân mạnh tham gia, đủ khả năng, linh hoạt và theo kịp được mục tiêu đề ra, làm chủ được công nghệ", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Liên quan đến thể chế, Bộ trưởng Thắng cho biết, Bộ GTVT đã trình Chính phủ về chủ trương sửa đổi Luật ở cả 5 lĩnh vực. Mục tiêu nhằm đẩy nhanh tiến độ quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án vì hiện đang rất vướng mắc ở tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến triển khai dự án, thực hiện dự án, từ Trung ương đến địa phương.
Với những Luật đã sửa thì trên tinh thần Luật hóa các vấn đề đã làm tốt. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tất cả những nội dung địa phương làm được, làm tốt thì giao cho địa phương.
Việc sửa đổi Luật còn nhằm cởi mở, thu hút tối đa nguồn lực. Vì hiện các lĩnh vực chưa thu hút được đầu tư tư nhân do lợi ích của doanh nghiệp chưa đảm bảo; vấn đề chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và khối tư nhân rất thấp; cơ chế huy động không linh hoạt.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics
Báo cáo đoàn công tác, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã nêu bật kết quả phát triển lĩnh vực GTVT thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển GTVT đã được đề ra trong văn kiện Đại hội XIII. Đồng thời, đề xuất mục tiêu và những định hướng giải pháp lớn về phát triển lĩnh vực GTVT trong giai đoạn mới.
Theo đó, các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển KCHTGT được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu từ công tác đầu tư xây dựng đến quản lý, vận hành khai thác.
Hoàn thiện hệ thống KCHTGT đã góp phần giảm chi phí vận tải, chi phí logistics, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tối ưu hóa các nguồn lực, tận dụng được lợi thế so sánh giữa các vùng, miền trong sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ.
Từ đây tạo cơ hội phát triển thông qua hệ thống trao đổi và phân phối, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng đó, hoạt động vận tải phục hồi nhanh chóng sau Covid-19, đạt tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8-9%; đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế, giảm thiểu tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, bến cảng vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế. KCHTGT đạt được nhiều kết quả đột phá, đã xác định được danh mục công trình hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cần đầu tư; nhưng việc cân đối, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện đầu tư còn chậm.
Mặt khác, dù đã có các chương trình hành động, kế hoạch về phát triển "giao thông xanh", nhưng quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh vẫn còn những rào cản nhất định.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, theo Bộ GTVT là về tổ chức thực hiện, công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định gồm nhiều khâu, nhiều bước; sự phối hợp giữa địa phương và một số Bộ, ngành chưa thực sự hiệu quả trong quá trình triển khai dự án.
Về nguồn lực, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KCHT đã đề ra, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn. Phần lớn nguồn vốn đầu tư KCHTGT phụ thuộc ngân sách Nhà nước, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu và không đủ điều kiện để đầu tư đồng bộ cùng lúc tất cả các phương thức vận tải. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực giữa Trung ương và địa phương để đầu tư còn chưa linh hoạt nên chưa huy động được tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển KCHTGT.
Về thể chế, hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư công, đầu tư PPP... còn có điểm chưa đồng bộ, chưa theo kịp thực tiễn, chưa tạo đột phá về chính sách để phát triển KCHTGT.
Từ đánh giá quá trình thực tiễn triển khai thời gian qua, Bộ GTVT kiến nghị một số nội dung để thực hiện thành công mục tiêu "hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại" như đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII.
Trong đó, cần nghiên cứu để cân nhắc việc điều chỉnh linh hoạt một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng đã nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII cho phù hợp với thực tiễn nhằm tập trung huy động nguồn lực, thực hiện bứt phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn quy phạm pháp luật; tiếp tục có cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Xây dựng được "danh mục các công trình hạ tầng chiến lược của các ngành" để Trung ương có ý kiến thống nhất chỉ đạo, làm cơ sở phân bổ nguồn lực đối với các dự án nằm trong danh mục.
Thực hiện quan điểm phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm tài nguyên và cam kết khi tham gia COP 26 về mục tiêu chung phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050, cần đẩy mạnh đầu tư đường sắt (điện khí hóa) bao gồm đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, cần xác định đường sắt đô thị là giải pháp căn cơ duy nhất để giảm thiểu ùn tắc tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM và các hệ lụy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận