Phần đông học sinh đang được các gia đình đầu tư học tiếng Anh, ngôn ngữ phổ thông trên thế giới (chụp tại trung tâm tiếng Anh APOLLO phố Lê Văn Hưu, Hà Nội) - Ảnh: K.Linh |
Ngay khi Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, đang xây dựng đề án dạy tiếng Nga và tiếng Trung từ lớp 3 cho đến hết lớp 12 như một ngoại ngữ chính, không phải ngoại ngữ tự chọn, đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều phụ huynh lên mạng xã hội than thở, lo sợ con cái mình sẽ trở thành “chuột bạch” cho những thí nghiệm không cần thiết. Bởi chính họ, nhiều năm trước đã từng học tiếng Nga rồi sau đó cất bằng vào ngăn tủ, tự bỏ tiền, sắp xếp thời gian học tiếng Anh nếu không muốn thất nghiệp.
Không phải vô cớ khi hiện có khoảng 60 nước sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Tất cả các phụ huynh đều muốn con mình học thứ tiếng có thể giao tiếp dễ dàng, thiết thực khi bước chân ra thế giới, thay vì học ngoại ngữ chỉ để nói tôi từng học tiếng nọ, tiếng kia.
|
Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo gọi đề án học tiếng Trung và Nga là thí điểm, thực ra chả có gì mới và hiệu quả của nó ra sao cũng đã rõ rồi. Thế hệ chúng tôi những năm chiến tranh từng học tiếng Trung, tiếng Nga, nhưng đến nay, hầu như chẳng sử dụng đến, trong khi yêu cầu về tiếng Anh lại luôn cấp thiết ở nhiều lĩnh vực. Đó là chưa kể, dù học tiếng Trung nhưng đừng nghĩ rằng sang Trung Quốc là có thể nói chuyện được với người Trung Quốc. Bởi, tiếng ở các vùng miền của họ khác nhau, chính người Trung Quốc chưa chắc đã hiểu được hết tiếng của nhau.
Điều đáng suy nghĩ ở đây là những lợi ích của việc học tiếng Anh đã nhìn thấy rõ mà chúng ta loay hoay mãi cả chục năm vẫn chưa thấy hiệu quả ở đâu. Không chỉ học sinh ra trường không thể giao tiếp tiếng Anh, kể cả những mẫu câu thông dụng nhất với người nước ngoài mà chính đội ngũ giáo viên cũng chưa theo kịp giáo trình đào tạo.
Vậy tại sao, không tập trung toàn lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong trường học mà lại mở rộng thêm ra những ngoại ngữ khác. Đã nghèo lại lãng phí thì đến bao giờ con cháu chúng ta mới xóa mù ngoại ngữ?
Trao đổi với người viết bài này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, một nhà giáo tâm huyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vô cùng sửng sốt. Ông nói: "Nhà nước phải có chiến lược rõ ràng về ngoại ngữ. Trong bối cảnh nhân lực và tiền còn hạn chế, thì ngoại ngữ tốt nhất để dạy cho học sinh là tiếng Anh, vì là thứ tiếng đang phổ cập. Chưa nói sang châu Âu, châu Mỹ, ngay trong ASEAN thôi, ngôn ngữ chung cũng chính là tiếng Anh. Từ cuối năm 2015, thị trường lao động mở ra 8 ngành nghề có thể chuyển dịch tự do trong ASEAN thì yếu tố tiên quyết để tham gia thị trường này là lao động phải biết tiếng Anh".
GS. Nguyễn Minh Thuyết còn cho rằng, cần kiến nghị Quốc hội quy định tiếng Việt là ngôn ngữ chính và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Chỉ khi phổ cập tiếng Anh thành công thì chúng ta mới đi nhanh trên con đường hội nhập.
Ý kiến của GS. Thuyết cũng là tâm tư trăn trở của rất nhiều người Việt thành danh ở nước ngoài hiện nay. Ngay trong một câu chuyện gần như không cần phải bàn cãi, lạ thay, ngành Giáo dục vẫn tiếp tục đưa ra những đề án thí điểm. Rồi kéo theo chi phí đào tạo hàng chục nghìn giáo viên. Tiếng Nga và tiếng Trung, thậm chí tiếng Tây Ban Nha rất hay, có thể ở đâu đó cần thiết nhưng không đủ phổ cập để hàng chục triệu học sinh bắt buộc phải học trên lớp. Ai muốn học xin mời ra trung tâm tư nhân hoặc các câu lạc bộ...
Xin hãy dừng những “cải tiến”, “thí điểm” vừa tốn tiền dân, vừa làm tội học sinh, để giáo dục của đất nước thoát ra khỏi tình cảnh thí nghiệm triền miên mà mỗi năm chất lượng đào tạo chẳng cải thiện được là mấy. Học sinh là những con người và mỗi sai lầm trong giáo dục là một thế hệ phải trả giá có khi trong suốt cuộc đời, thưa các vị!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận