Bob Kerrey |
Thành thực mà nói, tất cả chúng ta, trừ những nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của vụ thảm sát tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vào ngày 25/2/1969 khó có thể cảm nhận hết nỗi đau và sự căm thù (nếu còn) với những kẻ đã gây ra tội ác đó.
Lịch sử sẽ ghi nhận hộ những điều này nếu ai đó có thể lãng quên nó. Nhưng thời gian cũng giúp cho những nỗi đau sẽ lành da, dù vết sẹo có thể không bao giờ biến mất.
Hơn 45 năm sau, một người liên quan đến ký ức đau thương đó, cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerrey đã quay trở lại Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) - “một món quà” của sự hợp tác Mỹ - Việt như lời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu nhân chuyến thăm lịch sử của Tổng thống B. Obama đến Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
|
Nhưng, sự vui mừng, háo hức với FUV đã nhường chỗ cho những nghi ngại, tranh cãi thậm chí phẫn nộ mang tên: Bob Kerrey. Tại sao một người đã dính líu đến ký ức đau thương đó lại quay trở lại và nhất là để nhân danh cho việc hợp tác giáo dục, cho việc truyền tải những giá trị về đạo đức, bác ái?! Tại sao lại gợi lại những nỗi đau đã dần ngủ quên?! Tại sao lại là Bob Kerrey mà không phải là ai khác?!
Thật không dễ gì lý giải!
Theo tôi biết, cách đây khoảng 15 năm, Bob Kerry đã nhận trách nhiệm về vụ Thạnh Phong theo một bài báo trên tờ NYTimes. Tất nhiên, chỉ nhận trách nhiệm thì không bao giờ là đủ.
Sự thật là, ngoài sự ám ảnh thậm chí sẽ theo ông ta đến hết cuộc đời, sự “ăn năn” mà theo lẽ thường không thể không có, Bob Kerrey cùng với Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain đã là những người có rất nhiều nỗ lực vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Tôi cho rằng, ông ấy đã dũng cảm đối mặt với quá khứ, một điều hẳn là không dễ dàng gì. Nếu chúng ta là ông ấy, chúng ta cũng có thể làm gì khác ngoài hành động như ông ấy đã làm?!
Và sau khi đối mặt, chúng ta sẽ chọn cách ngồi im chịu đựng sự phán xét thậm chí đến cả sau khi đã chết hay sẽ “làm một điều gì đó” để “chuộc tội” thì sẽ tốt hơn?!
Phải nhắc lại một lần nữa, thật khó có thể cảm nhận hết nỗi đau và càng không thể thay mặt những nạn nhân và gia đình của vụ thảm sát ở Thạnh Phong năm nào để bỏ qua. Nhưng lãng quên mới là điều không thể, còn tha thứ thì hoàn toàn có thể.
Lảng tránh nỗi đau chắc có bằng đối diện với nó?! Tôi đoán được điều này khi nhìn cách người dân Nhật Bản đón Obama tại Hiroshima ngày 27/5 vừa qua. Chắc chắn, người Nhật không ai có thể quên thảm họa hạt nhân khủng khiếp năm 1945 nhưng họ đã đón Tổng thống Mỹ như một thông điệp hòa giải.
Có một lưu ý, năm 1992, Bob Kerrey đã từng chạy đua vào Nhà Trắng. Nếu ông ta thắng cử, không có lẽ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ không thể bình thường hóa được hay sao?!
FUV thực sự là thành quả mà Bob đã góp phần mang đến. Nhưng là người đứng đầu việc gây quỹ cho trường, chắc chắn ông ta sẽ không phải là người đứng trên bục giảng để truyền tải các giá trị đạo đức. Hãy coi hành động này như một nỗ lực mà ông ta đã dũng cảm đối mặt để phần nào làm vơi đi quá khứ dù chính ông đã “sẵn sàng rút lui” vì sự thành công của FUV.
“Tôi đã đối mặt với quá khứ một cách thẳng thắn và trung thực. Tôi đã làm những việc tồi tệ và sẽ sống với nó suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” - Bob, tôi tin lời ông.
Sau chiến tranh sẽ là sự hòa giải.
Hòa giải là điều không hề dễ dàng dù gần đây người ta thường nhắc đến nó, kể cả ngay tại Việt Nam. Hãy tìm cách để từng bước xoá đi những rào cản thay vì ngồi yên để do dự và lo sợ. Kết quả tốt đẹp của sự đoàn viên và tình đoàn kết là một trái ngọt đủ xứng đáng để chúng ta vượt qua những chông gai và gian khổ để đoạt lấy nó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận