Giá lợn hơi chạm đáy
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hôm nay (14/10), giá lợn hơi đã giảm sâu xuống sát ngưỡng 30 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, đà giảm vẫn chưa dừng lại khi tiêu thụ đang có xu hướng giảm.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi giao dịch quanh ngưỡng 33-38 nghìn đồng/kg. Các tỉnh có mức giá thấp nhất 33-35 nghìn đồng/kg là Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ.
Tiếp đến là Hưng Yên và Hà Nội, giá đã về ngưỡng 36 nghìn đồng/kg sau khi giảm 2 nghìn đồng/kg trong sáng nay. Phần lớn các tỉnh khác đang có mức giá dao động từ 37-38 nghìn đồng/kg.
Giá lợn hơi đã giảm tới 50% trong 3-4 tháng qua
Tại miền Trung và Tây Nguyên, mức giá giao dịch quanh ngưỡng 38-43 nghìn đồng/kg. Mức giá thấp nhất của khu vực là 38 nghìn đồng/kg được ghi nhận tại Nghệ An và Thanh Hóa.
Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Khánh Hoà giá 43 nghìn đồng/kg.
Còn tại miền Nam, mức giá giao dịch hôm nay dao động quanh ngưỡng 41-43 nghìn đồng/kg.
Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng giá lợn hơi về mức 42 nghìn đồng/kg sau khi giảm 2 nghìn đồng/kg.
Mức giá thấp nhất ngưỡng 41 nghìn đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu và Cần Thơ... và cao nhất 43 nghìn đồng/kg tại Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang và Trà Vinh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), cho biết, ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19 nên giá lợn hơi đã giảm gần 50% trong 3-4 tháng qua.
"Việc các địa phương giãn cách xã hội, khiến nhu cầu ở các thành phố lớn giảm mạnh khi các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể... phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, khi giãn cách, người dân không có việc làm, không có thu nhập, điều này đồng nghĩa với việc tiêu dùng cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Do đó, việc chăn nuôi ứ đọng sẽ rất khó để bà con nông dân tái đàn, giá sẽ còn xu hướng giảm nếu nhu cầu tiêu thụ không được cải thiện", ông Trọng nói.
Giá ngoài chợ vẫn “trên trời”
Dù giá lợn hơi đã giảm mạnh nhưng giá đến tay người tiêu dùng gần như “đứng im” hoặc chỉ giảm nhỏ giọt.
Tại các chợ dân sinh, giá lợn dao động từ 70-140 nghìn đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên người bán vẫn cho đây là một mức giá hợp lý bởi bản thân họ cũng phải trả nhiều chi phí để bán được thịt đến tay người dân.
Chị Hồng, một tiểu thương chợ Cầu Giấy cho biết, thịt mông có giá rẻ nhất là 70 nghìn đồng/kg; Nạc thăn 100 nghìn đồng/kg; Nạc vai, ba chỉ, sườn là 140 nghìn đồng/kg.
Giá thịt lợn vẫn quanh ngưỡng 100-140 nghìn đồng/kg
“Giá giảm nhưng sức mua cũng giảm, hàng chậm nên chúng tôi cũng chẳng lãi được bao nhiêu. Trong khi, chi phí đi lại tăng, vận chuyển lợn cũng tăng.
Đơn cử, để thuê vận chuyển 1 xe lợn khoảng 50 con từ Hà Nam về Hà Nội chúng tôi phải trả thêm vài triệu đồng so với trước. Chưa kể giá xăng tăng mạnh cũng khiến chi phí đi lại tăng hơn”, chị Hồng nói.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thịt lợn cũng chỉ giảm nhẹ, phần lớn phổ biến ở ngưỡng 100-140 nghìn đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, giá lợn móc hàm “hàng đẹp giá 58 nghìn đồng/kg, còn xấu 50 nghìn đồng/kg”.
Khi PV thắc mắc “vì sao giá lợn hơi thấp nhưng giá bán vẫn đứng im”, phần lớn tiểu thương khẳng định: Lợn xuống nhanh nên khó bán, lượng mua cũng chưa trở lại thời điểm trước dịch, chỉ dưới 50%. Rủi ro cao khi không bán hết cũng không thể đẩy vào nhà hàng nên phải cân đối lợi nhuận.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên có sự chênh lệch rất lớn giữa giá lợn hơi tại chuồng và giá thịt lợn tại chợ.
Vì vậy, để giảm khâu này, các cơ quan các ban, ngành địa phương phải cho lưu thông vận chuyển hàng hóa tốt. Trong đó, cần có hỗ trợ và thống nhất về quy định test để giảm chi phí đầu vào cho thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận