Sản xuất, tiêu dùng bị ảnh hưởng ra sao?
Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, giá dầu Brent có lúc vượt 83 USD/thùng là mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Dự báo còn xu hướng tăng khi khả năng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu vẫn hiện hữu. Điều này khiến giá xăng dầu trong nước cũng biến động mạnh.
Cụ thể, trong vòng 1 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tổng cộng tới 16 lần. Giá xăng E5 RON 92 tăng 52% giá trị, lên 21.683 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 51%, lên 22.879 đồng/lít, cùng đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Giá xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải, là yếu tố đầu vào tác động hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh
Trong khi, giá xăng dầu là đầu vào của sản xuất, nên sẽ làm tăng chi phí các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Vũ Đình Ánh nhận định, xăng dầu là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, giá nhiên liệu tăng quá cao sẽ tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Đây cũng là lo lắng của PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Theo ông Long, giá xăng dầu tăng sẽ đẩy giá thành các loại sản phẩm, dịch vụ lên cao, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế và tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất, theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trong đó, các doanh nghiệp vận tải, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu, sản xuất điện… chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ở các nhóm ngành này, tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ diễn ra rất nhanh.
"Dư địa của Quỹ BOG hiện giờ không còn nhiều. Đến nay, đã có 14 đầu mối bị âm Quỹ BOG, trong đó, có 2 tập đoàn xăng dầu lớn là Petrolimex và PVoil có số quỹ âm Quỹ BOG lên tới hàng ngàn tỷ đồng", Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông.
PGS.TS Ngô Trí Long phân tích, giá xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải, và việc giá nhiên liệu bắt đầu xu hướng tăng từ tháng 11 năm ngoái làm gia tăng áp lực lên các công ty này. Giá cước vận tải được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian ngắn tới.
Còn các loại hàng hóa từ sản xuất, thông qua khâu vận chuyển để đến tay người tiêu dùng sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng.
Hơn nữa, giá xăng dầu là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát, do đó sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực đến giá cả trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Giảm thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng dầu
Nêu những giải pháp ngăn “cơn bão giá” tiêu dùng có thể xảy ra, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, ở góc độ Nhà nước, bên cạnh việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ là Quỹ bình ổn giá, thì cần cân nhắc xem xét giảm thuế và phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm giảm giá mặt hàng thiết yếu này. Từ đó, giảm bớt phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Còn về phía doanh nghiệp, nên sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả mặt hàng xăng dầu, đồng thời, có thể tính toán tìm mặt hàng thay thế nguồn năng lượng này.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới.
Cũng theo ông Đông, hiện trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối với mặt hàng dầu khoảng 24-30%. Trong đó thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít.
Do đó, để góp phần "hạ nhiệt" giá xăng trong nước, Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường.
"Thuế bảo vệ môi trường hiện nay đối với mặt hàng nhiên liệu sinh học E5 được tính một cách rất cứng nhắc, cơ học, là bằng 95% thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng RON 92.
Như vậy, chưa đúng với mục tiêu là bảo vệ môi trường, mà thực tế nhiều nước khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường, họ tính theo mức giảm phát thải carbon (Tức, độ giảm thải carbon đối với nhiên liệu sinh học khi mà có 5% ethanol thì nó giảm thải so với xăng khoáng là khoảng 60-70%). Chúng tôi cũng kiến nghị đặc biệt đối với các loại thuế và thuế bảo vệ môi trường này", ông Đông cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận