Đường bộ

Gỡ nhiều "nút thắt" cấp phép vận tải đường bộ ASEAN

17/12/2020, 16:05

Phát triển vận tải đường bộ qua biên giới giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang có nhiều “nút thắt” cơ chế cần tháo gỡ...

img

Xe khách liên vận tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội)

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Những năm gần đây, Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác trong khu vực ASEAN. Đặc biệt lĩnh vực đường bộ, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận ba bên Việt Nam, Lào và Campuchia về vận tải đường bộ.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam đang hoạt động trên các tuyến vận tải liên vận Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, hiện các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn do một số khó khăn trong quá trình làm thủ tục tại cửa khẩu, cấp phép phương tiện kinh doanh.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT Điện Biên Nguyễn Thái Bình, Điện Biên đang khai thác 6 tuyến vận tải hành khách liên vận Việt - Lào. Quá trình khảo sát các tuyến vận tải khách chưa kịp thời nên một số tuyến có nhu cầu chưa thực hiện khai thác. Vì vậy, cần có sự thống nhất với Cục Vận tải Lào trong việc mở tuyến mới, nhằm tránh tình trạng phía ta đã cho phép, nhưng tuyến mới không thực hiện được do phía bạn chưa nhất trí”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên cho biết, Sở GTVT cũng đề nghị Tổng cục Ðường bộ VN tiếp tục phối hợp với Cục Vận tải Lào, sớm tổ chức khảo sát các tuyến vận tải hành khách từ Ðiện Biên đi Xay Nhạ Bu Ly và Viêng Chăn, hoặc có thể trao đổi, thống nhất với Cục Vận tải nước bạn ủy quyền cho cấp sở của ngành GTVT hai nước phối hợp kiểm tra và báo cáo. Trên cơ sở đó xem xét chấp thuận để thúc đẩy việc mở tuyến thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thông tin, do bên phía Campuchia mới quy định khi phương tiện Việt Nam được cấp sổ liên vận mới, đổi sổ, hoặc gia hạn, hải quan cửa khẩu Campuchia thu phí với lý do sổ mới chưa có trên hệ thống của Hải quan Campuchia. Tuy nhiên, đối với xe Campuchia vào Việt Nam, Hải quan Việt Nam không thu khoản phí này.

Đồng thời, khi xe Việt Nam lưu thông trên lãnh thổ Campuchia, cảnh sát Campuchia kiểm tra xử phạt lỗi phương tiện Việt Nam không có tem lưu hành được cấp bởi Bộ Giao thông công chính Campuchia.

“Qua tìm hiểu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam được biết, hiện Bộ Giao thông công chính Campuchia thu phí trên đầu phương tiện với mức 2 triệu Riel/năm (tương đương hơn 11 triệu đồng Việt Nam), phương tiện nộp phí thì được cấp tem dán trên xe. Tuy nhiên, xe của Campuchia vào Việt Nam lại không phải chịu khoản phí này”, ông Quyền cho biết.

Cũng theo ông Quyền, theo quy định hiện hành, phương tiện vận tải liên vận qua 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, khi xuất cảnh ở cửa khẩu nào thì khi nhập cảnh tại cửa khẩu đó. Tuy nhiên, quy định này hiện đang gây khó khăn, lãng phí rất lớn cho các đơn vị vận tải. Trong điều kiện áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi như hiện nay, cần sửa đổi quy định nói trên theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải, giảm chi phí lưu thông hàng hóa và chi phí đi lại cho hành khách.

Sẽ có Nghị định quy định cụ thể

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trên cơ sở các Hiệp định thư, Nghị định thư thực hiện, bản ghi nhớ về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới đã được ký kết giữa Việt Nam với các nước, Bộ GTVT đã ban hành các Thông tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Hiện phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa qua lại Việt Nam và Lào theo 15 cặp cửa khẩu quốc tế đã thống nhất trong Hiệp định, Nghị định thư và không hạn chế số lượng phương tiện, tuyến đường qua lại giữa hai nước.

Đến nay, các Thông tư này đều được triển khai và thực hiện hiệu quả qua đó góp phần không nhỏ vào việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải quốc tế, chi tiết cụ thể điều kiện kinh doanh vận tải quốc tế, thủ tục cấp phép cho đơn vị kinh doanh, cấp giấy phép liên vận cho phương tiện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải quốc tế trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách qua lại biên giới giữa Việt Nam đi các nước.

Liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách qua lại biên giới giữa Việt Nam với các nước, bà Hiền cho biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương về vận tải đường bộ với các nước Lào, Trung Quốc và Campuchia, GMS và ASEAN.

Đối với hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia, bà Hiền cho biết, phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa qua lại Việt Nam và Campuchia theo 7 cặp cửa khẩu quốc tế đã thống nhất trong Hiệp định, Nghị định thư. Phương tiện của hai nước được phép qua lại lẫn nhau là 500 xe trên tất cả các tuyến đường của hai nước; không hạn chế số lượng phương tiện phi thương mại của các cơ quan ban ngành của Chính phủ, địa phương cũng như các tổ chức ngoại giao, tổ chức phi chính phủ.

Về việc cấp phép cho phương tiện Việt Nam - Lào - Campuchia, bà Hiền cho hay: "Theo Bản ghi nhớ giữa ba nước và Thông tư số 63/2013của Bộ GTVT Việt Nam, phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, du lịch, hợp đồng được phép qua lại lẫn nhau là 150 xe. Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và phương tiện phi thương mại cho các tổ chức ban ngành không hạn chế số lượng xe và tất cả số lượng phương tiện phải đi theo tuyến đường đã thống nhất trong bản ghi nhớ".

Đối với Việt Nam - ASEAN, bà Hiền cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia ký kết với các nước ASEAN Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh; Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia; Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hành khách qua biên giới bằng phương tiện giao thông đường bộ ký ngày 13/10/2017.

Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT Việt Nam chưa thể thực hiện xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, hành khách bằng phương tiện giao thông đường bộ.

Bộ GTVT sẽ báo cáo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục cấp các loại giấy phép cho đơn vị kinh doanh và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua lại biên giới, trong đó có phần quy định về cụ thể về công tác cấp giấy phép vận tải quốc tế Việt Nam - ASEAN cho đơn vị kinh doanh vận tải, giấy phép liên vận Việt Nam - ASEAN cho phương tiện kinh doanh, mẫu Tem VN, phù hiệu, tuyến đường, cửa khẩu hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.