Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm của UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội đã nói về việc điều chỉnh quy hoạch đường Lê Văn Lương.
Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, có một số nội dung đáng chú ý trong việc quy hoạch trục Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Thứ nhất, về thẩm quyền, trách nhiệm trong lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch thành phố Hà Nội được quy định rất rõ trong các bộ luật hiện hành. Theo đó, TP Hà Nội là thủ đô, đô thị đặc biệt nên Luật Xây dựng trước đây và Luật Quy hoạch hiện nay đã quy định rất rõ: Trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng chung được giao cho Bộ Xây dựng chủ trì cùng UBND TP Hà Nội tổ chức lập… Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi được Quốc hội thông qua.
Trục đường Lê Văn Lương
Căn cứ theo luật hiện hành thì thẩm quyền điều chỉnh Quy hoạch chung cũng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ - người quyết định phê duyệt. Chỉ có Thủ tướng mới có quyền thay đổi quy hoạch.
Và để trình Thủ tướng xem xét và phê điều chỉnh về quy hoạch thì đều phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Cho đến khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì các nội dung điều chỉnh mới được thực hiện.
Trong vấn đề lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện theo nội dung Thủ tướng cho phép, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên giám sát việc thực thi. Căn cứ theo quy định này thì không thể khẳng định việc, thành phố Hà Nội đã tùy tiện điều chỉnh, "băm nát”, phá vỡ quy hoạch Thủ đô.
Thứ hai, quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội và quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương đã được thông qua ở nhiều thời kỳ khác nhau. Cụ thể, quy hoạch chung 108 do Bộ Xây dựng chủ trì cùng UBND TP Hà Nội tổ chức lập và Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyêt tại QĐ108/TTG năm 1998.
Quy hoạch chung 1259 cũng do Bộ Xây dựng chủ trì cùng UBND TP Hà Nội lập và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại QĐ 1259/TTG năm 2011.
Riêng về quy hoạch tại tuyến đường Lê Văn Lương trước năm 2008 là nằm trong quy hoạch 1/2000 của trục đường Giảng Võ – Láng Hạ - Thanh Xuân được phê duyệt vào năm 2003. Quy hoạch đường Lê Văn Lương từ 2008 được điều chỉnh địa giới đến 2011 khi quy hoạch chung 1259 được phê duyêt.
Nội dung phê duyệt nêu rõ, thực hiện theo định hướng tổ chức không gian tuyến đường Lê Văn Lương và tuyến đường Phạm Hùng đã được Bộ Xây dựng có văn bản thống nhất, chấp thuận trong văn bản 2009/BXD-KTQH ký ngày 7/10/2008. Dựa trên cơ sở văn bản của Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3362 ngày 25/11/2008 chấp thuận về nguyên tắc định hướng để thực hiện và sau đó đã cập nhật toàn bộ vào quy hoạch chung 1259.
Theo nội dung đã được phê duyệt thì định hướng tổ chức không gian tuyến này là không gian kiến trúc hiện đại cao tầng với chức năng hỗn hợp văn phòng, thương mại và nhà ở…
Nội dung này được ban hành dựa trên cơ sở quy định về quản lý và phát triển đô thị từ đường vành đai 2 đổ vào 4 quận nội thành, đô thị lõi hạn chế xây dựng nhà cao tầng... Từ vành đai 2 đổ ra cho phép xây dựng các công trình cao tầng cao dần từ trong ra ngoài... Chính vì vậy, nhiều dự án trong lõi đô thị không triển khai xây dựng được, còn các công trình ngoài vành đai 2 thì được điều chỉnh nâng tầng tùy theo vị trí và chức năng...
Hai là, về chức năng, theo quy hoạch 1/2000 thì tại đoạn này là trụ sở văn phòng của một số các đơn vị như: Quận Thanh Xuân, Quân đội, Doanh nghiệp, HUD, Tổng Công ty Nhà Hà Nội, Sở TTTT TP Hà Nội, Cục Lưu trữ Quốc gia… cùng một số công trình nhà ở tái định cư, dãn dân. Để có ngân sách đầu tư hạ tầng đường xá ngay đoạn đường này, thời kỳ 2000-2005 TP Hà Nội đã chuyển chức năng sang hỗn hợp có một phần nhà ở kinh doanh, các doanh nghiệp đã tham gia đấu giá và đã trả tiền cho Thành phố theo quy định.
Mặt khác trong chương trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, HĐND thành phố cũng đã thống nhất nghị quyết lựa chọn một số tuyến đường cải tạo, chỉnh trang, trong đó có tuyến đường Lê Văn Lương...
Trên cơ sở những lý do trên, TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp và xin phép Thủ tướng cho điều chỉnh chức năng và tổ chức không gian, nâng chiều cao các công trình ở tuyến phố Lê Văn Lương. Việc điều chỉnh phải đảm bảo các tiêu chí trong quy hoạch phân khu nhất là về dân số, hạ tầng kỹ thuật như giao thông, hạ tầng văn hóa - xã hội như trường học, công viên, cây xanh. Định hướng này cũng đã được Bộ Xây dựng và Thủ tướng chấp thuận và đồng ý.
Quy hoạch toàn tuyến đường này từ Lê Văn Lương đến Yên Nghĩa đã được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ và cả sa bàn hiện đang được trưng bày công khai ở Cung quy hoạch quốc gia Mỹ đình..
Như vậy, việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương là phù hợp với quy hoạch chung, đúng quy trình, công khai minh bạch, đúng thẩm quyền vì lợi ích chung. Chính vì những yếu tố trên, TP Hà Nội khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương hoàn toàn không có chuyện tùy tiện, băm nát, phá vỡ quy hoạch và lợi ích nhóm…
Thứ ba, về thưc hiện quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương và Kết luận 39 của Thanh tra Bộ xây dựng, TP Hà Nội khẳng định, việc thực hiện quy hoạch tuyến đường này trong những năm qua đã có nhiều cố gắng nhất là trong việc huy động các nguồn lực đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và các công trình kiến trúc, bộ mặt đường phố ngày càng khang trang hiện đại...
Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những thiếu sót tồn tại, thậm chí là vi phạm nhất định trong quy hoạch và quản lý nhưng đây chỉ là những tồn tại thiếu sót và vi phạm có tính nghiệp vụ cụ thể chứ không phải là những sai sót mang tính chủ trương..
Phía TP Hà Nội cho rằng, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng còn một số nội dung cần phải trao đổi và thống nhất lại, đặc biệt là các nội dung liên quan đến những giải pháp khắc phục các vấn đề đô thị đang đặt ra đối với tuyến Lê Văn Lương như là vấn đề giao thông, môi trường… TP Hà Nội sẽ làm việc giải trình và thống nhất với lãnh đạo Bộ Xây dựng để báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận