Đường bộ

Hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phương án xử lý bất cập dự án BOT tại kỳ họp thứ 7

03/05/2024, 14:00

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu đánh giá toàn diện các nguyên nhân, sớm hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Quốc hội phương án xử lý khó khăn tại một số dự án BOT tại kỳ họp thứ 7.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phương án xử lý bất cập dự án BOT tại kỳ họp thứ 7- Ảnh 1.

Việc sớm xử lý khó khăn tại các dự án BOT hiện nay được đánh giá là cấp thiết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, tạo sức hút cho các dự án PPP giao thông trong tương lai (Ảnh minh họa).

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ, tiếp thu ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện Hồ sơ (Đề án) báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

"Bộ GTVT phải tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ GTVT quản lý và các dự án do các địa phương quản lý; Rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập do thay đổi chính sách của nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan; kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động tiêu cực khi thực hiện các cơ chế, chính sách đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo cụ thể các công việc các Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã thực hiện theo thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được những khó khăn, vướng mắc các dự án BOT giao thông; xác định rõ những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình hoàn thiện hồ sơ; có ý kiến đúng thời hạn khi Bộ GTVT lấy ý kiến", văn bản nêu rõ.

Sớm giải quyết những bất cập tại các dự án BOT, Phó thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ GTVT báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép báo cáo vào đầu tháng 5/2024; hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Số liệu từ Bộ GTVT, trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực, cả nước đã huy động khoảng 712.774 tỷ đồng đầu tư 242 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.

Trong đó, theo loại hợp đồng BOT, cả nước đã huy động hơn 318.800 tỷ đồng để đầu tư 140 dự án (Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền 66 dự án, địa phương là cơ quan có thẩm quyền 74 dự án).

Trong tổng số 140 dự án BOT triển khai trước thời điểm Luật PPP ban hành, có 50 dự án triển khai giai đoạn trước năm 2010, 63 dự án triển khai giai đoạn 2011 - 2015 và 27 dự án triển khai giai đoạn sau năm 2016.

Theo đánh giá, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.