Báo cáo tại buổi họp giao ban công tác tháng 8 của Bộ GTVT diễn ra hôm qua (29/8), Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho hay: Đến hết tháng 8/2019, Bộ GTVT mới giải ngân khoảng 6.857 tỷ đồng, tương đương 27,4% kế hoạch giao (25.017 tỷ đồng). So với dự kiến giải ngân đã xây dựng từ đầu năm, kết quả này thấp hơn dự kiến khoảng 3.435 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 8/2019 chỉ giải ngân được 1.320 tỷ động, chậm 310 tỷ đồng so với dự kiến và chưa bù được hơn 3.100 tỷ đồng chậm giải ngân đến hết tháng 7/2019.
“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân trên là do việc bổ sung kế hoạch chậm, các dự án cần có thủ tục mới giải ngân được số vốn mới giao. Thực tế, ngay sau khi được giao bổ sung kế hoạch (cuối tháng 7 mới bổ sung hơn 5.100 tỷ đồng), các dự án có khả năng giải ngân tốt như Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, LRAMP, cảng Lạch Huyện đã giải ngân thêm được 690 tỷ đồng tuy nhiên chưa thể kéo bù đủ phần kế hoạch đã dự kiến trước đây”, ông Lâm cho hay.
Ngoài việc được giao kế hoạch chậm, ông Lâm cũng liệt kê một số nguyên nhân khác khiến kết quả giải ngân không như dự kiến. Theo đó, cảng Lạch Huyện, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong khâu thanh quyết toán các dự án hoàn thành. Dự án tín dụng ngành lần 2 phần bổ sung; dự án mở rộng các cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai đấu thầu. QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, dự án mở rộng tuyến tránh QL1 đoạn qua thành phố Tân An; dự án mở rộng các cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang… vướng mặt bằng. Dự án như tuyến tránh Kon Tum thì chậm vì thời tiết bất lợi…
Các ban QLDA hàng hải, Ban QLDA 6, TCT Cửu Long; Ban Thăng Long, Ban QLDA 7, Ban QLDA đường HCM… cũng được ông Lâm “điểm danh” trong danh sách chậm giải ngân theo kế hoạch.
Thông tin thêm, ông Lâm cho hay, theo Luật Đầu tư công cũ, thời hạn giải ngân là trong 2 năm. Như vậy sẽ có thời gian dài để xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo giải ngân theo kế hoạch đăng ký. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2019, thời hạn giải ngân quy định là đến 31/12 và thời hạn hoàn tất thủ tục thanh toán là đến 31/1 của năm sau. Do vậy, việc lập kế hoạch phải sát hơn, đảm bảo trong thời hạn một năm mới có thể hoàn thành kế hoạch.
Thừa nhận kết quả giải ngân như hiện tại là quá thấp, ông Lâm nói thêm: "Bình quân cả nước 8 tháng đã giải ngân được 42% trong đó UBND TP.HCM và Hà Nội (cùng với Bộ GTVT là 3 hộ kế hoạch lớn nhất của cả nước) giải ngân được 30%, Bộ GTVT giải ngân 27,4%".
Không chấp nhận kết quả giải ngân quá thấp như trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ KH-ĐT phải quản lý chặt chẽ tiến độ từng dự án, từng gói thầu.
“Tôi đã nói rồi, tiến độ giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào các ban QLDA. Ban QLDA chính là đơn vị ký hợp đồng với các bên liên quan và sử dụng tiền để triển khai”, Bộ trưởng nói và cho rằng, đơn vị nào giải ngân dưới 95%, tuyệt đối sẽ không giao thêm nhiệm vụ trong năm tới. Cơ chế như nhau, lý do gì chỗ giải ngân chậm, chỗ lại giải ngân tốt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận