Tài chính

Kiếm triệu đô từ xuất khẩu cà pháo sang Mỹ

16/12/2023, 06:24

Bỏ ra tiền tỷ để nghiên cứu về cách chế biến cà pháo, CEO Sông Hương Foods đã xây dựng công thức lên men để món ăn này có lợi cho tiêu hóa, không còn mang tiếng "một trái cà, ba thang thuốc".

Cơ duyên từ ăn chay

10 năm định cư ở California (Mỹ), anh Nguyễn Bình Trọng luôn nhớ ẩm thực truyền thống, đặc biệt là các món mang phong vị ngày Tết. Từ lúc siêu thị gần nhà bán cà pháo lên men Sông Hương Foods, anh coi đây là thức ăn không thể thiếu trong bữa cơm.

Kiếm triệu đô từ xuất khẩu cà pháo sang Mỹ - Ảnh 1.

Các sản phẩm mắm của SHF bán tại chợ Tân Bình, Houston, Texas, Mỹ.

Mở nắp lọ thủy tinh, nhìn những quả cà được nén trong nước tương ớt đỏ tươi, anh Trọng nhớ lại những ký ức tuổi thơ nơi quê nhà. "Lớp vỏ ngoài quả cà vẫn giữ nguyên được độ giòn. Khi cắn, vị men chua, hạt cà nhỏ li ti và cảm giác cay nồng của ớt lan tỏa khắp miệng tạo nên hương vị đặc biệt", anh chia sẻ.

Theo bà Công Huyền Tôn Nữ Ngọc Bích, Giám đốc CTWS Group, đơn vị phân phối có mạng lưới tại 32 bang, hơn 200 chuỗi chợ và chợ châu Á tại Mỹ, các sản phẩm Sông Hương Foods tiêu thụ khá tốt tại California, nơi có tới 40% người Việt đang làm việc, sinh sống.

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) có trụ sở tại TP.HCM, tiền thân là cơ sở sản xuất mắm tôm, mắm cá phục vụ thị trường nội địa. Năm 2016, doanh nhân Nguyễn Lê Quốc Tuấn về tiếp quản lại cơ sở truyền thống của gia đình, mở rộng sang lĩnh vực ẩm thực xuất khẩu, và cà pháo lên men (dưa cà muối) trở thành mặt hàng chủ lực.

Ngoài mặt hàng chủ lực là cà pháo lên men, Sông Hương Foods xuất khẩu 8 sản phẩm khác và đều trở thành món ăn gần gũi với đời sống kiều bào.

Với cảm nhận của một người không quen với đồ ăn bản địa, bà Bích đánh giá Sông Hương Foods có lợi thế về công thức truyền thống, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu vào Mỹ. Đó cũng là lý do dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, CTWS Group đã tăng 50% số lượng hàng nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá khoảng 600.000 USD (14,5 tỷ đồng).

Kiếm triệu đô từ xuất khẩu cà pháo sang Mỹ - Ảnh 3.

Một công đoạn công nhân Sông Hương Foods chế biến sản phẩm.

Nhìn vào con số doanh thu năm nay dự kiến đạt khoảng 2 triệu USD (46 tỷ đồng), không ai nghĩ ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods, từng muốn xuất gia sau những biến cố năm 2016.

Duyên nợ chưa dứt nên Tổng giám đốc Sông Hương Foods quay lại tiếp quản cơ ngơi theo nguyện vọng của gia đình và tu tập, ăn chay trường.

Trong số các sản phẩm gia đình bán ra, chỉ có cà pháo là đồ chay. Vì thế đây trở thành thức ăn chính của ông Tuấn mỗi ngày. Ngặt nỗi, mọi người khuyên ông không nên ăn vì "một trái cà, ba thang thuốc".

Từ đây, ông Tuấn bỏ 1 tỷ đồng để cùng nhiều chuyên gia nghiên cứu, ông Tuấn thấy rằng trái cà sống muối xổi có chất kháng dinh dưỡng nên người ăn dễ bị mệt mỏi, đau khớp, đau cơ. Để giải "lời nguyền" tai tiếng đó, Sông Hương Foods đã xây dựng công thức lên men.

Nhờ bí quyết riêng nên trái cà không những không độc mà nó trở thành một sản phẩm tốt cho tiêu hóa, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ (FDA).

Đó cũng là bước ngoặt biến Sông Hương Foods từ một doanh nghiệp kinh doanh mắm tôm, mắm cá trở thành doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm, trong đó cà pháo lên men là sản phẩm chủ lực.

Muốn cà pháo nổi tiếng như kim chi

Trước đây, Sông Hương Foods tham gia thị trường nội địa và mong muốn đem thương hiệu cà pháo Việt Nam phát triển mạnh, trở thành một món đặc sản như kim chi của Hàn Quốc. Nhưng sau này, ông Tuấn nhận ra rằng thị trường nội địa quá phân mảnh, mỗi nơi có một văn hóa ẩm thực khác nhau.

Kiếm triệu đô từ xuất khẩu cà pháo sang Mỹ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods.

Miền Bắc là nơi sử dụng nhiều cà trong bữa ăn nhất, nhưng cà pháo lên men chưa phủ rộng, chủ yếu được ưa chuộng từ miền Trung trở vào. Người miền Bắc thích ăn cà muối xổi chưa qua xử lý. Món này đậm, giòn nhưng có hại có sức khỏe.

Nếu phát triển ra Bắc, Sông Hương Foods phải bán cà muối xổi để phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Bắc. Nhưng điều này đồng nghĩa với công sức nghiên cứu và định hướng bao năm về món "cà kim chi" Việt Nam đổ xuống sông, xuống bể.

Trong nhiều năm liền, cà pháo lên men có doanh thu thứ 2 sau mắm truyền thống nhưng năm 2022, theo xu hướng thị trường, doanh thu cà pháo giảm mạnh, xuống dưới 20 tỷ đồng. Sản phẩm phụ thuộc nhiều vào các chuỗi bán hàng như Bách Hóa Xanh, Vinmart, Coop Mart…

Trước bức tranh chung thị trường, ông Tuấn quyết định đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thêm các sản phẩm nhằm bù hụt doanh thu, giảm sút của cà pháo lên men.

Các sản phẩm mới phát triển theo tiêu định hướng ăn chay, tiện, rẻ, kiều bào không tốn thời gian chế biến. Vì thế những món ăn như bánh bột lọc, bánh nạm, giò... được xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm cũng từ đó thay đổi, sản phẩm mắm chỉ còn chiếm tỷ lệ 5%, còn lại là những món ẩm thực được làm từ bột gạo.

Mỗi tháng Sông Hương Foods xuất khẩu khoảng 2 container (40 feet) bánh với giá trị mỗi container khoảng 87.000 USD, gần bằng với doanh số cả năm ở nội địa. Kết quả này giúp tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của Sông Hương Foods tăng 70 - 80%.

Theo CEO Sông Hương Foods, nếu không kịp thời đẩy mạnh xuất khẩu, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn vì doanh số nội địa đang sụt giảm ít nhất 20 - 30%. Hiện các sản phẩm từ bánh đang gánh doanh thu từ cà pháo lên men, song ông Tuấn tin rằng với việc đã có chỗ đứng trên thị trường, cà muối sẽ là mặt hàng chủ lực của công ty.

Để tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng đưa cà pháo nổi tiếng như kim chi Hàn Quốc, 3 năm tới, Sông Hương Foods sẽ phát triển vườn cà ở Tây Ninh trở thành điểm tham quan dưới chân núi Bà Đen.

Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa và vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Mỹ.

Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco Trần Minh Thắng cho hay, khu vực miền Tây nước Mỹ tập trung nhiều siêu thị lớn, số người Mỹ gốc Việt tại đây tương đối lớn với 2,18 triệu người cùng sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, Mỹ cũng là thị trường khó tính với các yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.