Luật sư Đào Hữu Đăng - bào chữa cho ông Đinh La Thăng |
Viện kiểm sát: Cùng một hành vi, người có trách nhiệm cao hơn phải chịu án cao hơn
Xét trách nhiệm hình sự phải căn cứ hành vi cụ thể, không phải chức cao thì hình phạt cao, không phải cứ ông Thăng đứng đầu là chủ mưu. Trong cả chuỗi hành vi này, hành vi nào nghiêm trọng nhất phải chịu hình phạt cao nhất. - đó là quan điểm được Luật sư Đào Hữu Đăng - người bào chữa cho ông Đinh La Thăng đưa ra khi tranh luận với quan điểm của đại diện VKS nêu trong phiên xét xử vụ án PVC chiều 16/1.
Đáp trả ý kiến này, đại diện VKS nhấn mạnh việc xem xét, đánh giá hành vi sai phạm của vụ án có xâu chuỗi và có vai trò của từng bị cáo. Cùng một hành vi, tính chất sai phạm thì người có trách nhiệm cao hơn đương nhiên chịu trách nhiệm cao hơn. Người có trách nhiệm cao hơn nhưng tham gia phạm tội thấp hơn thì mức án thấp hơn, ví dụ như Trương Quốc Dũng (bị đề nghị 17-18 tháng tù về tội cố ý làm trái).
“Rõ ràng có phân hoá, đánh giá mức độ vai trò của từng bị cáo chứ không phải “xem xét theo bảng lương” như lời luật sư. Trong vụ án này vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu. Vai trò của các bị cáo sau biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái” - đại diện VKS khẳng định và cho biết đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo cũng như không đặt vấn đề rằng phạm tội có tổ chức như luật sư đề cập.
Đánh giá vai trò các bị cáo trong vụ án, luật sư Đăng nhấn mạnh cho rằng phải xem xét trách nhiệm hình sự căn cứ hành vi cụ thể của từng người. Nếu không có sử dụng trái phép thì không có hậu quả xảy ra.
“Chúng tôi thấy rằng VKS đưa ra buộc tội mới với thân chủ của tôi là ông Đinh La Thăng, VKS kết luận nặng nề hơn và cho rằng ông Thăng là chủ mưu trong tội cố ý làm trái, đó là cách đánh giá không có cơ sở, không có chứng cứ cho rằng ông Thăng là chủ mưu. Không phải cứ người đứng đầu là chủ mưu, đề nghị đánh giá đúng vấn đề, không đánh giá cảm tính, khi chưa có chứng cứ mà quy chụp ngay là chủ mưu” - luật sư lập luận và đề nghị đại diện VKS có cách đánh giá thoả đáng.
"Chủ trương chỉ định thầu có từ trước khi ông Thăng về PVN"
Nói về năng lực của PVC thời điểm năm 2011, đại diện VKS “thấy lạ” khi chính PVC nói không đủ năng lực theo quy định đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng nhiều ý kiến tại tòa lại nói đánh giá PVC không đủ năng lực là thiếu cơ sở.
“Luật sư nói chỉ định thầu PVC là ưu tiên phát huy nội lực. VKS cũng đồng thuận và mong muốn DN Việt Nam tự lực tự cường, song sự phát triển phải có lộ trình vì còn liên quan nguồn nhân lực, vốn, kinh nghiệm điều hành, tầm vóc. Đưa cho họ làm một dự án quá sức thì đem lại hậu quả và thực tế đã cho thấy điều ấy” - đại diện VKS nói.
Luật sư Đào Hữu Đăng bào chữa cho ông Đinh La Thăng tranh luận lại: "Chủ trương chỉ định thầu có từ năm 2006 - trước khi ông Đinh La Thăng về PVN, và chủ trương này đã được Thủ tướng đồng ý. Kết luận giám định cũng kết luận chỉ định thầu đúng quy định, nhưng VKS lại cho rằng chỉ định thầu trái với nghị quyết của HĐTV".
Luật sư Đăng nhắc lại bối cảnh, ở thời điểm đó, chỉ định thầu cho PVC sẽ có lợi hơn so với liên danh nhà thầu nước ngoài, bởi phương án này nhanh hơn, đảm bảo về tiến độ. Vì thế, không thể nói chỉ định thầu trái pháp luật như VKS nói.
Luật sư Đăng phản biện lại quan điểm của VKS đánh giá PVC không đủ năng lực dựa trên lời khai của lãnh đạo PVC. Theo ông Đăng, đánh giá năng lực nhà thầu dựa phải dựa trên tiêu chí cụ thể, đánh giá từ thực tế chứ không thể căn cứ vào lời khai của bị cáo ở PVC.
Khó hiểu khi chỉ sau vài tháng, PVC lại thành nhà thầu có đủ năng lực
Luật sư Đăng lập luận: Thật khó hiểu khi đối với ông Thăng, việc chỉ định thầu cho PVC được quy kết là chủ trương sai, nhưng chỉ sau đó vài tháng, PVC lại được lựa chọn là nhà thầu có đủ năng lực.
“Chỉ vài tháng liệu có thể biến PVC từ nhà thầu không đủ năng lực thành nhà thầu đủ năng lực và làm được cho đến ngày nay hay không?” - luật sư đặt vấn đề.
Theo ông Đăng, đánh giá nhà thầu phải do cái nhìn tổng quan của người lãnh đạo, người lãnh đạo có tầm nhìn đúng đắn chỉ định thầu cho nhà thầu có năng lực thì sẽ nâng tầm DN đó lên. “Rõ ràng tầm nhìn của ông Thăng là đúng, PVC là nhà thầu chính trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và đã mang lại kết quả” - luật sư phân tích và tin tưởng từ việc đó, PVC sẽ lớn lên một bước.
Từ đó, luật sư cho rằng, phải lấy kết quả để đánh giá chủ trương đúng hay sai.
Về vấn đề đánh giá thiệt hại, ông Đăng khẳng định “các luật sư bào chữa không ai nói là không có thiệt hại, mà nói phải tính thiệt hại sao cho đúng”.
“VKS cho rằng đánh giá thiệt hại là hợp lý, có lợi cho các bị cáo khi đánh giá thiệt hại trên cơ sở lãi suất tiền gửi, vậy tại sao không áp dụng lãi suất tiền gửi không thời hạn mà cứ áp dụng lãi suất có thời hạn, VKS tính thế có lợi cho bị cáo hay không?” - luật sư đặt vấn đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận