Theo luật sư Phan Trung Hoài, hành vi làm trái của ông Đinh La Thăng không vì động cơ hay mục đích tư lợi |
"Ông Đinh La Thăng không có động cơ tư lợi cá nhân"
Chiều 11/1, sau phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện VKS, HĐXX sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVC cho phép các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình. Ba luật sư của ông Đinh La Thăng là những luật sư đầu tiên thực hiện quyền bào chữa.
Luật sư Phan Trung Hoài bày tỏ khá bất ngờ với bản luận tội của VKS vì có nhiều nội dung không giống với bản cáo trạng đã truy tố bị cáo Thăng, thậm chí có những “điểm nhấn”, “nâng lên” thành những sai phạm nghiêm trọng.
Việc đại diện VKS cho rằng ông Đinh La Thăng đã lợi dụng cơ chế đặc thù chính phủ dành cho PVN để gây lợi ích nhóm, theo luật sư Hoài là không công bằng cho ông Đinh La Thăng. Bởi trong việc PVN chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc PVN được chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn, nhằm phát huy nội lực. Bên cạnh đó, PVN phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Tức là về thẩm quyền, PVN được phép chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn; về trình tự thủ tục, phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về chỉ định thầu.
"Thực tế thời hạn mà Chính phủ yêu cầu về tiến độ phải khởi công dự án từ tháng 2/2009, đến lượt mình, ông Thăng với trách nhiệm người đứng đầu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phải thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra, nên đã đôn đốc, ép tiến độ với cấp dưới, nhưng thực tế ông Thăng không chỉ đạo các đơn vị này làm trái luật", luật sư Hoài trình bày.
Luật sư này cũng cho biết trong quá trình tổ chức thực hiện, PVN phải chịu sự theo dõi, giám sát của nhiều bộ, ngành chức năng, nhưng trong thời gian triển khai các gói thầu giai đoạn 2009-2011, trong đó có dự án này, PVN chưa nhận được sự khuyến cáo nào của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Liên quan đến việc tạm ứng tiền cho dự án để các bị cáo sử dụng sai mục đích gây thiệt hại tài sản nhà nước, theo luật sư Hoài, HĐTV của PVN trong đó có ông Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch đã thường xuyên họp giao ban tại công trường, cũng như tại PVN để kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại và kiến nghị của các đơn vị, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng ông Thăng chỉ tham gia chỉ đạo chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Khi bắt đầu triển khai đầu tư thì ông Thăng đã chuyển công tác".
"Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án đã được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khẩn trương vì mục tiêu đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án điện cấp bách. Bản thân ông Thăng luôn chỉ đạo quyết liệt, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, vì mục tiêu bảo đảm tiến độ và hiệu quả đối với dự án, hoàn toàn không có động cơ tư lợi, cá nhân" – luật sư tiếp tục đưa lập luận bào chữa.
Đặc biệt, luật sư Hoài cho biết có lẽ ít ngày nữa ông Thăng sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử trong vụ án thứ hai liên quan đến góp vốn vào Oceanbank, vì thế, để đảm bảo tránh gây bất lợi cho thân chủ, các luật sư bào chữa vẫn có quan điểm đề nghị gộp 2 vụ án vì cùng là hành vi cố ý làm trái. “Trong vụ án này, ông Thăng bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù, vụ án tới diễn ra rất có thể sẽ có một phán quyết, khi tổng hợp hình phạt ông Thăng có thể phải chịu gần 30 năm tù, trong khi theo điều 165 của Luật TTHS 1999, nếu cùng xem xét trong một vụ án về trách nhiệm này, thì khung bậc tối đa không vượt quá 20 năm tù. Chúng tôi rất băn khoăn và mong HĐXX xem xét” - luật sư Hoài nói.
"Cách tính thiệt hại vụ án thiếu căn cứ"
Tiếp cận ở góc độ căn cứ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bản luận tội của VKS đã “không đáp ứng được mong đợi” của tư tưởng cải cách tư pháp, tinh thần đổi mới trong Bộ Luật TTHS.
“Tất cả quy kết của đại diện VKS gần như tóm tắt nét chính trong bản cáo trạng. Dưới góc độ pháp lý, tôi chưa thấy các căn cứ xác đáng được đưa ra” - luật sư Thiệp nêu quan điểm. Dẫn chứng, ông cho rằng VKS quy kết vì thời điểm PVC nợ đầm đìa nên việc cho ký hợp đồng và chỉ định thầu là để PVC xử lý đống nợ đang chồng chất, đây là quy kết cần xem xét.
Theo luật sư Thiệp, đại diện VKS luận tội ông Thăng, theo đó quy kết ông với các hành vi như là người đứng đầu đã chỉ đạo thực hiện nhiều việc chỉ định thầu, ký hợp đồng, tạm ứng sử dụng sai mục đích gây lãng phí tiền... Luật sư cho rằng những quy kết này chưa căn cứ vào góc độ pháp lý.
Bởi trước hết việc chỉ định thầu là đúng chủ trương, đã được khẳng định nhiều lần. Trong khi đó, trong bản luận tội cũng như cáo trạng của VKS, sai phạm không phải ở chủ trương mà ở việc triển khai thực hiện chỉ định thầu thế nào. VKS cho rằng ông Thăng chỉ định thầu sai quy định là quy kết không đúng, vì ông Thăng không phải là người thực hiện tất cả thủ tục theo quy định.
Trong quá trình chỉ định thầu, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu. “Đây là hành vi của người thực hành nhưng lại được quy kết cho người chỉ đạo về đường lối, như vậy không phù hợp”- luật sư Thiệp nói, và trình bày thêm, về mặt năng lực tài chính, không thể nói PVC không đủ năng lực, vì thực tế diễn biến đến giờ phút này PVC vẫn là tổng thầu, nếu không đủ năng lực sao có thể tiếp tục là tổng thầu?
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bản luận tội của đại diện VKS chưa căn cứ vào góc độ pháp lý |
Đại diện VKS quy kết ông Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 không đủ điều kiện, trái quy định của pháp luật, nhưng theo luật sư Thiệp, đây là hợp đồng kinh tế ký kết giữa PVPower và PVC. PVPower là đơn vị hạch toán độc lập đã được giao thực hiện chủ trương này. Việc đáp ứng các điều kiện yêu cầu của hợp đồng, thương thảo ký kết hoàn toàn là việc giữa 2 doanh nghiệp, nếu Tập đoàn PVN can thiệp vào quá trình thuơng thảo chuẩn bị ký kết hợp đồng thì đó là sự can thiệp trái quy định.
Vấn đề thứ ba, ông Thăng bị quy kết chỉ đạo tạm ứng tiền sai quy định, nhưng luật sư Thiệp cho rằng thân chủ của mình không biết việc này, bởi khi PVC đề nghị tạm ứng 2 lần thì ông Thăng đều không phê duyệt mà yêu cầu làm rõ tiền dùng bao nhiêu, dùng vào việc nào.
Về tiến độ, với tính quyết liệt, ông Thăng chỉ chỉ đạo phải đảm bảo vốn cho nhà thầu, còn bên dưới phải chịu trách nhiệm làm sao để nhà thầu không thiếu vốn, tức là người triển khai phải áp dụng quy định của pháp luật chứ không phải bằng mọi giá. Ông Thăng chỉ có chỉ đạo chung về đường lối.
“Quá trình tạm ứng, ông Thăng hoàn toàn không được tiếp nhận các nội dung báo cáo về việc này cho đến khi ông Thăng rời khỏi vị trí lãnh đạo. Vậy thì phải xem xét thời điểm được báo cáo cụ thể chi tiết về những lỗi này. Làm sao buộc ông ấy chịu trách nhiệm việc mà ông ấy không biết và chỉ được báo cáo khi đã chuyển công tác khác?” - luật sư đặt vấn đề.
Tiếp đến, về quy kết cho rằng ông Thăng chỉ đạo làm sai và không tuân thủ quy định của pháp luật gây thiệt lại cho nhà nước 119 tỷ, luật sư Thiệp cho rằng giám định viên đã trả lời trước toà, nếu không sử dụng sai mục đích không thiệt hại, điều này mâu thuẫn với kết luận giám định. Bởi kết luận giám định có 2 phần, phần thứ nhất 51 tỷ - là số lãi của số tiền tạm ứng không đủ điều kiện. Phần thứ hai 68 tỷ - là lãi suất của số tiền bị sử dụng sai mục đích. “Kết luận giám định và phần trả lời của giám định viên tự đã chứng minh phương pháp tính thiệt hại là việc cần xem lại” – luật sư nói. Theo ông, cách tính thiệt hại không có căn cứ.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Thiệp, không thể nói thân chủ của ông không có sai phạm nào, bởi với trách nhiệm người đứng đầu, ông Thăng phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát khi thực hiện chỉ định thầu, nếu làm đúng thì chắc chắn không có vụ án này. Theo luật sư, đây cũng chính là điều mà thân chủ của ông trăn trở, vì thế, thân chủ của ông đã xin tha cho những anh em làm sai do sức ép tiến độ. Nhưng theo lập luận của luật sư, hành vi của ông Thăng nếu chiếu theo quy định của pháp luật có thể là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả.
Trước khi dừng quan điểm bào chữa, luật sư Thiệp đề nghị và chờ đợi sự tranh luận đến từ đại diện VKS giữ quyền công tố, đưa ra căn cứ chứng minh quy kết thân chủ của ông về việc chỉ định thầu, ký đợp đồng 33 và tạm ứng cho PVC trái quy định để PVC sử dụng sai mục đích.
"Tiền tạm ứng đã được thu hồi, tiền lãi đến nay đã hơn cả tiền tạm ứng ban đầu"
Bên cạnh đó, chờ đợi VKS đưa ra căn cứ xác định thiệt hại vụ án. Đặc biệt, trong trình trạng nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng bản luận tội của VKS đã yêu cầu các bị cáo bồi thường, đây có phải buộc PVN tiếp nhận bồi thường?
Một nội dung khác luật sư Thiệp cho rằng chưa được cập nhật, đó là trước khi khởi tố, toàn bộ số tiền tạm ứng đã được thu hồi, và cho đến sau này, tiền lãi từ số tiền thu hồi này cao hơn số tiền tạm ứng là hơn 124 tỷ.
Luật sư Đào Hữu Đăng đề nghị HĐXX xem xét có sự phân định rõ ràng ai là người làm trái, giữa người chỉ đạo chủ trương và người thực hiện. Theo ông, chủ trương của PVN là đúng, còn việc thực hiện sai không thuộc trách nhiệm của PVN mà là của PVPower.
Việc ký hợp đồng 33 cũng vậy, PVPower cũng có đầy đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng, không liên quan gì đến chỉ đạo của ông Thăng.
Về thiệt hại, trong số 119 tỷ thiệt hại trong vụ án, kết luận giám định cho rằng thiệt hại này là do không có văn bản thu hồi, tuy nhiên thời điểm đó, ông Thăng đã rời khỏi PVN nên không có trách nhiệm ra văn bản thu hồi số tiền này.
Luật sư Đăng cho rằng không làm văn bản thu hồi số tiền là trách nhiệm của người lãnh đạo PVN sau này, không thể kết luận cho ông Thăng làm thiệt hại số tiền này.
Có người sẵn sàng đi tù thay ông Thăng "Với một con người như ông Đinh La Thăng hiện đang đối mặt bản án tới 14-15 năm tù, bất kỳ ai biết đến công sức, thành quả mà ông Thăng đóng góp phần cho xã hội đều thấy đau. Chúng tôi mong muốn HĐXX sẽ đánh giá đúng mức, áp dụng đúng mức hình phạt với một con người như vậy. Trước khi kết thúc phần bào chữa của mình, tôi muốn đưa ra HĐXX một tài liệu, đây không phải chứng cứ, mà là tài liệu về ý kiến của các công dân. Tôi mong HĐXX sẽ xem xét để có thể đánh giá ông Thăng là con người thế nào trước khi quyết định mức hình phạt. Có người chỉ là công dân nhưng khi biết ông Thăng bị đưa ra xét xử đã viết thư ngỏ rất cảm động, trong đó liệt kê tất cả những việc ông Thăng đã làm cho người dân, thậm chí họ nói, với vị thế của mình, họ sẵn sàng đi tù thay cho ông Thăng để ông tiếp tục làm những việc mà ông đã làm được trong thời gian qua”. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận