Bất động sản

Minh bạch dự án kèm theo chính sách cụ thể để phát triển thị trường bất động sản

16/11/2024, 21:34

Nhiều ý kiến đã được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn "Để thị trường BĐS trở lại lành mạnh và phát triển" hôm nay (16/11) tại Hà Nội, trong đó đề xuất cần phải minh bạch các dự án và có những chính sách cụ thể với từng đối tượng.

Thiếu nhà giá rẻ, chính sách cụ thể cho chủ nhà trọ

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường BĐS đang gặp phải tình trạng cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa hợp lý, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền. 

Riêng tại TP. HCM, từ năm 2021 đến nay phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng mặt trên thị trường. Còn nhà ở xã hội, đến nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 12.000 căn. Thị trường BĐS đang ở trạng thái kim tự tháp ngược, dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. 

Minh bạch dự án kèm theo chính sách cụ thể để phát triển thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh.

Đánh thuế bất động sản là cần thiết, nhưng phải triển khai sao cho hợp lý để điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng, hoặc khi khó khăn, đóng băng. Để BĐS an toàn, ổn định và bền vững phải thống nhất các luật và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.

"Để thị trường phát triển lành mạnh, Nhà nước điều tiết thị trường bằng chính sách pháp luật. Công cụ thiết thực nhất là về thuế. Có thuế giá trị gia tăng 3% áp dụng chỉ với các dự án nhà ở xã hội bán và cho thuê. Có chính sách quan tâm đến 200.000 chủ nhà trọ ở TP. HCM khi họ đã tạo ra hàng trăm nghìn chỗ ở cho công nhân, nhưng hiện đang bị chịu thuế giống nhà nghỉ, khách sạn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để giảm thuế cho những chủ nhà trọ này", ông Châu đề xuất.

Để giải quyết vướng mắc, Chính phủ đã thành lập 2 tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Hoạt động của tổ công tác đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án. Đặc biệt tại TP.HCM đã giải quyết dứt điểm 8 dự án, đang xem xét 22 dự án. 

Mới đây, Thủ tướng tiếp tục thành lập một ban chỉ đạo để giải quyết các khó khăn vướng mắc. Riêng tại TP.HCM có một tổ công tác để khắc phục những tồn đọng đang gặp phải. 

Trong thời gian tới, với những kỳ vọng vào việc hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật thị trường sẽ có bước tiến mới như: Quốc hội đã trình Chính phủ về dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất - nếu được thông qua - các dự án sẽ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ khó khăn về hướng tiếp cận đất đai.

Minh bạch dự án tại các địa phương, thúc đẩy nhà ở xã hội cho thuê

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cũng như chủ đầu tư phải thực hiện minh bạch trong việc đầu tư, xây dựng các dự án, từ đó mới có thể đưa thị trường BĐS trở lại lành mạnh và phát triển. 

Minh bạch dự án kèm theo chính sách cụ thể để phát triển thị trường bất động sản- Ảnh 2.

Các chuyên gia đồng tình với quan điểm cần phải minh bạch dự án và thúc đẩy xây dựng, cho thuê nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 3 đạo luật quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở và thị trường quyền sử dụng đất; thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. 

Các luật với nhiều điểm mới quan trọng sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ, vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở thu nhập thấp. 

Có tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.

Nhấn mạnh vai trò của công tác quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu rõ, cần bảo đảm công tác lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. 

Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng bảo đảm cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nguồn cung nhà ở tăng. Sản phẩm bất động sản có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. 

Theo ông Dũng, để phát triển một dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan, các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường.

Các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm cần có cơ chế đặc thù đối với nhà ở xã hội (NOXH) để người dân có chỗ ở. 

"Từ lâu, chúng ta mới chỉ đề cập tới NOXH để bán, mà chưa có chính sách thúc đẩy xây dựng NOXH cho thuê. 

Chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề và hướng tới đáp ứng quyền của người dân trong việc có nhà để ở, từ đó có những chính sách ưu đãi như cho vay để xây dựng và ưu đãi giá cho thuê", ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất.

Hà Nội có 'thuốc' mới trị vi phạm trật tự xây dựng?Hà Nội có "thuốc" mới trị vi phạm trật tự xây dựng?

Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Quy định này kỳ vọng tạo hành lang pháp lý cần thiết, ngăn chặn hành vi vi phạm vẫn đang xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.