Quản lý

Mở cơ chế hút nhà đầu tư PPP giao thông

15/05/2024, 06:13

Nhiều quy định đang được Bộ GTVT kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, tạo thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư các dự án PPP giao thông.

Nhà đầu tư dè dặt vì thiếu cơ chế bảo đảm

Những tháng đầu năm 2024, bức tranh đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có thêm những mảnh ghép mới khi lần lượt các dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng được khởi công.

Mở cơ chế hút nhà đầu tư PPP giao thông- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong những dự án đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Tạ Hải.

Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cùng với sự nỗ lực của nhà đầu tư, thời gian qua, các dự án PPP đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tối đa từ cơ quan quản lý. Đơn cử, tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, địa phương đã cắt giảm tối đa các dự án đầu tư nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực tham gia dự án. Dự án cũng được Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù, có thể tăng nguồn vốn ngân sách tham gia tối đa 70% tổng mức đầu tư.

Khác với sự lạc quan của nhà đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhiều tháng qua, các doanh nghiệp quan tâm dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương lại tỏ ra khá dè dặt trước quyết định nên hay không "xuống tiền" đầu tư.

"Điều lấn cấn nhất với chúng tôi là lưu lượng phương tiện", một nhà đầu tư (xin giấu tên) đang nghiên cứu về dự án thổ lộ.

Vị lãnh đạo này cho biết, theo khảo sát, khu vực tuyến đường đi qua nằm ở vùng du lịch, lưu lượng phương tiện dự báo chỉ cao điểm theo mùa và chủ yếu là xe con. Song song với tuyến cao tốc là quốc lộ 20 đã được đầu tư với chất lượng khá tốt, thu hút xe tải lưu thông.

Với kịch bản lạc quan được tính toán 9.000 xe/ngày đêm, thời gian thu phí hoàn vốn cũng lên tới khoảng 23 năm. Tổng vốn đầu tư lớn (hơn 17.000 tỷ đồng), thời gian thu phí kéo dài, việc thương thảo để ngân hàng cho vay không hề dễ dàng.

"Nhìn từ một số dự án BOT gặp vướng mắc thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cũng đang mắc kẹt bởi một số trường hợp như: Đường song hành được xây dựng làm phân lưu phương tiện của dự án PPP, việc tăng giá dịch vụ không được theo lộ trình đã ký kết trong hợp đồng…", vị này nói và cho biết, các lý do trên khiến đa phần doanh nghiệp dè dặt trong đầu tư các dự án PPP. Vì thế, luật và các nghị định hướng dẫn cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Trường hợp lưu lượng giao thông không đúng như đánh giá ban đầu, doanh thu không đảm bảo thì cơ chế chia sẻ rủi ro sẽ thế nào, lấy nguồn từ đâu, hành lang pháp lý giải quyết ra sao…

Những nỗi lo thường trực

Thực tế, nỗi lo và đề xuất của lãnh đạo doanh nghiệp nêu trên là có cơ sở khi thời gian qua, không ít dự án PPP (hình thức BOT) rơi vào tình trạng "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông".

Điển hình là dự án nâng cấp quốc lộ 91 từ TP Cần Thơ đi An Giang. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 cho biết, dự án hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016.

Theo thỏa thuận, việc thu phí triển khai tại hai trạm T1 và T2 thuộc phạm vi dự án. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, trạm T2 phải dừng thu bởi một số nguyên nhân. Lộ trình tăng phí 3 năm/lần theo điều khoản hợp đồng không được thực hiện; Hàng loạt đường cấp quận, huyện «mọc» lên xung quanh vị trí đặt trạm T1, từ đó các phương tiện né trạm.

"Doanh thu tại dự án hiện chỉ đạt 15% so với phương án tài chính ban đầu. Trung bình một ngày chỉ thu được 300 triệu đồng, chưa đủ trả tiền lãi vay. Doanh nghiệp đang chờ cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, cơ chế tháo gỡ để không lún sâu vào cảnh nợ chồng nợ", ông Khang cho biết.

Mới đây nhất, trao đổi với PV, nhà đầu tư cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng - Quảng Ninh cũng không khỏi lo lắng khi công trình cầu Bến Rừng nối giữa hai tỉnh sẽ được hoàn thành, đưa vào khai thác, nguy cơ cầu Bạch Đằng bị phân lưu phương tiện, ảnh hưởng đến doanh thu là thường trực.

"Tính toán sơ bộ, lưu lượng xe qua cầu Bạch Đằng sẽ giảm khoảng 20% so với hiện nay. Nếu kịch bản này xảy ra, chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền đánh giá lại để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư", vị này bộc bạch.

Đề xuất nhiều quy định mới

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết: Tại văn bản tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về đầu tư PPP gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung rõ hơn các quy định khi quá trình khai thác dự án có phát sinh, thay đổi để đánh giá, rà soát và có xử lý phương án tài chính phù hợp, bảo đảm hài hòa về quyền lợi, trách nhiệm giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện tiểu dự án cũng được đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp dự án, phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng.

Cụ thể, Nghị định số 28/2021 quy định: Phần vốn đầu tư công chi cho công tác hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định tại Luật PPP được quản lý, sử dụng, thanh toán theo quy định về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Vướng mắc ở chỗ, Điều 58 Luật PPP quy định doanh nghiệp dự án PPP ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu đáp ứng 5 điều kiện, trong đó không có điều kiện về áp dụng pháp luật đấu thầu.

Song, trường hợp áp dụng quy định phần vốn đầu tư công trong tiểu dự án được quản lý, sử dụng theo quy định về sử dụng vốn đầu tư công cần áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu (Điều 1 Luật Đấu thầu quy định, phạm vi áp dụng của luật đối với dự án có sử dụng vốn Nhà nước).

Hiện, chưa rõ việc lựa chọn nhà thầu thực hiện đối với tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước cần thực hiện theo pháp luật đấu thầu hay chỉ cần ban hành quy định lựa chọn nhà thầu đảm bảo các nguyên tắc theo Luật PPP.

Trường hợp áp dụng pháp luật về đấu thầu sẽ có một số vướng mắc. Theo khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng, đối với dự án PPP, chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập. Điều 6 Luật Đấu thầu quy định, nhà thầu tham dự phải độc lập về pháp lý và tài chính với chủ đầu tư.

Như vậy, có thể hiểu, do doanh nghiệp dự án là chủ đầu tư nên các nhà thầu không độc lập về pháp lý và tài chính với doanh nghiệp dự án không được tham dự thầu. Trường hợp này dẫn đến các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thi công dự án không được thi công, xây dựng công trình dự án.

Từ bất cập đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất cho phép doanh nghiệp dự án có quyền tự thực hiện thi công xây dựng công trình khi có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp hoặc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trong trường hợp lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, thì thực hiện theo Điều 58 Luật PPP.

Tại Luật PPP và nghị định liên quan cũng chưa có quy định nội dung cơ cấu lại các khoản nợ, điều kiện cơ cấu và cơ chế chia sẻ phần lợi nhuận gia tăng. Làm rõ vấn đề này, Bộ GTVT đã kiến nghị bổ sung hướng dẫn về việc cơ cấu lại các khoản nợ như: Định nghĩa, tiêu chí áp dụng, nội dung quyền nghĩa vụ...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ khi Luật PPP và các nghị định quy định chi tiết Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2022, có 24 dự án PPP mới được thực hiện theo quy định của Luật PPP (10 dự án đã được phê duyệt, 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư) và 295 dự án PPP (trong đó có 160 dự án áp dụng loại hợp đồng BT) đang thực hiện theo quy định chuyển tiếp của Luật này.

Hầu hết các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP đều là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn của quốc gia.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.