Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (hai đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện) để đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than.
Theo EVN, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ.
Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.
Vì vậy, EVN kiến nghị các đơn vị trên xem xét giãn thời gian thanh toán tiền mua than.
EVN lo thiếu than cho sản xuất điện
Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023, trên cơ sở có giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.
Thực tế, EVN đang lo lắng rủi ro thiếu điện vào mùa nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, khi dự báo mùa hè năm nay khắc nghiệt, khô hạn diện rộng, trong bối cảnh thiếu than.
Báo cáo của EVN cho thấy: Nhiều nhà máy nhiệt điện của EVN và Tổng công ty Phát điện (GENCO) chưa đạt định mức tồn kho than theo quy định.
Thực tế, trong báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ: Sản lượng than đang sụt giảm khi một số mỏ than gặp khó khăn trong khai thác, khả năng huy động hạn chế.
Cụ thể, mỏ than Cao Sơn theo gia hạn giấy phép chỉ còn 723.000 tấn; dự kiến 3 tháng đầu năm sản lượng đạt 948.000/1,86 triệu tấn cùng kỳ, (bằng 50,9%).
Mỏ than Cọc Sáu vẫn đang xử lý bùn đất từ mùa mưa năm 2022, không khai thác được do không có diện tích mở rộng, hệ số bóc đất cao, giá thành vượt giá bán; dự kiến 3 tháng đầu năm sản lượng đạt 143 nghìn tấn/352 nghìn tấn so với cùng kỳ, (bằng 40,52%)…
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, sau khi giá điện tăng 3%, EVN sẽ thu thêm được 8.000 tỷ đồng trong những tháng còn lại của năm 2023, nên vẫn rất căng thẳng về tài chính khi khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ vẫn còn treo lơ lửng.
Trước mắt, EVN sẽ giảm chi phí 10%, tiếp tục rà soát các công trình chưa thật cấp bách thì giãn nhiều hơn, không chỉ 30% mà có thể lên 50% việc sửa chữa công trình điện, nhằm giảm chi phí cho việc mua điện.
Đồng thời, thực hiện một loạt các biện pháp tăng cường tiết kiệm chi phí điện, đầu tư xây dựng cũng là một giải pháp.
Trước khó khăn của EVN, Chính phủ cũng chỉ đạo EVN khẩn trương cải thiện tình hình tài chính, gồm đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận