Đường bộ

Nhà thầu giao thông mong sớm mở rộng phạm vi thưởng hợp đồng dự án

27/04/2023, 06:00

Các nhà thầu giao thông kỳ vọng cơ chế thưởng hợp đồng sẽ áp dụng với nhiều dự án, tạo động lực cho đơn vị thi công bứt tốc tiến độ.

Kịp thời tạo động lực

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2023 quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

img

Các nhà thầu cho rằng cơ chế thưởng hợp đồng là cần thiết để khuyến khích các đơn vị thi công bứt tốc tiến độ dự án giao thông - Ảnh minh họa: Tạ Hải

Cơ chế này sẽ được thí điểm đối với 15 dự án dựa trên các nguyên tắc: Công trình, hạng mục công trình phải được thực hiện theo đúng hợp đồng (về số lượng, khối lượng, chất lượng); Việc thưởng hợp đồng được áp dụng cho từng gói thầu cụ thể; chỉ áp dụng đối với nhà thầu tuân thủ pháp luật trong thực hiện gói thầu và có nguồn tiền thưởng thực tế.

Không áp dụng thưởng đối với các trường hợp xác định giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và ký kết hợp đồng không theo quy định pháp luật về xây dựng nhằm trục lợi tiền thưởng.

Vui mừng khi Chính phủ kịp thời có chính sách tạo động lực cho nhà thầu trong bối cảnh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm vô cùng gấp rút, đại diện Tập đoàn Đèo Cả nhận định, công thức tính tiền thưởng hợp đồng cho nhà thầu được quy định trong Nghị định mới cơ bản hợp lý.

Đặc biệt, nếu tỷ lệ thời gian rút ngắn từ 20% trở lên, nhà thầu sẽ được hưởng trọn vẹn 5% tiền tiết kiệm đấu thầu.

“Tuy nhiên, bên cạnh việc thưởng tiền, cơ chế thưởng điểm cho nhà thầu cũng cần được nghiên cứu bổ sung”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả nói và cho biết, thực tế, hiện nay, việc thưởng điểm trong quá trình đấu thầu mới chỉ dành cho vấn đề kỹ thuật. Thế nhưng việc thưởng này "có cũng như không" bởi những dự án đấu thầu hiện nay đều là công nghệ phổ biến, nhà thầu nào cũng có thể vượt qua cho dù không được thưởng điểm.

Việc thưởng điểm cần nghiên cứu áp dụng trong phần giá dự thầu. Ví dụ, những nhà thầu làm tốt, rút ngắn thời gian, đảm bảo chất lượng ở dự án trước đó, quá trình đấu thầu dự án sau sẽ được xem xét giảm 1 - 2% giá dự thầu ban đầu trong 1 - 2 dự án kế tiếp (tùy nhà thầu lựa chọn hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định) để đánh giá, so sánh với giá dự thầu của các đơn vị khác, giúp nhà thầu tăng sức cạnh tranh về phần giá trong đấu thầu (dự án cùng một chủ đầu tư).

Nhìn nhận ở góc độ khác, lãnh đạo một đơn vị có tiếng trong ngành giao thông bày tỏ băn khoăn với việc xác định thời gian hoàn thành để áp dụng cơ chế thưởng.

“Theo quy định thí điểm, việc thưởng hợp đồng sẽ áp dụng với từng gói thầu. Song, trong một dự án có nhiều gói thầu.

Hiện tại, thời gian hoàn thành thường được xác định là thời gian được các cơ quan có thẩm quyền cao nhất (như dự án cao tốc Bắc - Nam là Hội đồng kiểm tra Nhà nước) nghiệm thu toàn bộ dự án, không nghiệm thu từng gói thầu.

Nếu tính mốc thời gian cho gói thầu thì cơ quan nào xác nhận, nghiệm thu. Làm rõ được vấn đề đó mới tránh trường hợp nhà thầu làm nhanh hơn không được thưởng xứng đáng với nguồn lực huy động con người, đầu tư máy móc, thiết bị”, vị này chia sẻ.

img

Cơ chế thưởng hợp đồng được đề xuất sớm triển khai rộng rãi với các dự án giao thông khác để đảm bảo công bằng, có thưởng, có phạt trong quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu - Ảnh minh họa.

Mở rộng phạm vi, nghiên cứu cơ chế thưởng điểm

Cho rằng, đi đôi với quy định phạt, cơ chế thưởng hợp đồng sẽ đảm bảo sự công bằng cho nhà thầu thi công xây lắp, đại diện Tập đoàn Cienco4 bày tỏ mong muốn, quy định về cụ thể về thưởng phạt này được ban hành rộng rãi cho các đối tượng áp dụng khác khi thực hiện xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi các dự án trọng điểm quốc gia, phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, trong trường hợp mở rộng phạm vi áp dụng chính sách, cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu nguồn tiền thưởng cho phù hợp.

“Theo Nghị định thí điểm, tiền thưởng hợp đồng được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu). Dự án này sẽ phù hợp với các dự án trong Chương trình phục hồi phát triển KT-XH với yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.

Thế nhưng, đối với dự án đấu thầu thông thường, có những lúc giá trúng thầu vượt giá mời thầu hoặc nhà thầu đưa ra giá đấu thầu sát với giá dự toán, nguồn tiền thưởng sẽ rất khó khăn, thậm chí là không có. Cần tính toán đến việc sử dụng chi phí dự phòng”, đại diện doanh nghiệp nêu quan điểm.

Đại diện một doanh nghiệp giao thông khác (xin giấu tên) thì cho rằng, trường hợp mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế thưởng hợp đồng, nếu không có tiền thưởng, cấp có thẩm quyền có thể quy định điểm thưởng cho nhà thầu khi tham gia đấu thầu các dự án khác.

“Để làm rõ trường hợp được thưởng, tiêu chí mặt bằng của dự án cũng cần được bổ sung.

Trường hợp mặt bằng sạch, thời gian thực hiện hợp đồng được xác định bằng số thời gian nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất. Trường hợp mặt bằng vướng mắc, thời gian thực hiện hợp đồng đối với điểm vướng mắc phải được cộng thêm số thời gian vướng mắc, nhà thầu không thể thi công.

Ngoài ra, phải làm rõ, việc thưởng hợp đồng không làm thay đổi, giảm trừ đi nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với các khoản phải trả khác cho nhà thầu trong hợp đồng. Ví dụ như những tổn thất mà nhà thầu phải chịu do sự chậm trễ, sai sót của bên chủ đầu tư”, vị này nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, một cán bộ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho rằng, cơ chế thưởng hợp đồng được Chính phủ ban hành tại Nghị định thí điểm là cơ bản phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn trong nước.

Riêng cơ chế thưởng điểm trong đấu thầu như đề xuất của các nhà thầu muốn triển khai được cần phải điều chỉnh Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật có liên quan và có những Thông tư, hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

15 dự án được áp dụng quy định thưởng hợp đồng:

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; các dự án cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Hà Giang và đoạn qua tỉnh Tuyên Quang); Cầu Đại Ngãi trên QL60.

Dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (trên địa bàn tỉnh Hòa Bình); Đầu tư các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối TP Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4; Đường từ QL12C đi khu liên hợp gang thép Formosa, tỉnh Hà Tĩnh

Cùng đó là dự án đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL.12A, QL.21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định); Dự án Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; Dự án đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.