Không nên giới hạn danh mục dự án áp dụng cơ chế đặc thù
Liên quan đến tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ vừa được báo cáo Quốc hội, nhiều ý kiến nhận định dự thảo nghị quyết đã giải quyết được các vấn đề vướng mắc chưa phù hợp với thực tế trong triển khai dự án giao thông.
Mặc dù vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho rằng, không nên giới hạn danh mục các dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, điều đó sẽ tạo ra cơ chế "xin - cho".
Thay vì đó, cơ quan chức năng cần xây dựng khung tiêu chí để áp dụng, tháo gỡ khó khăn chung trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cho các địa phương, đặc biệt ở các vùng miền biên giới xa xôi, nơi phên dậu tổ quốc, giữ vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh - quốc phòng nhưng điều kiện tiếp cận giao thông còn khó.
"Đó là những dự án có chi phí đầu tư cao, lưu lượng hiện tại thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài 20 - 30 năm, kém hấp dẫn nhà đầu tư nhưng rất cần cao tốc để đột phá phát triển", ĐBQH Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm, đồng thời đưa ra đánh giá, thời gian qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) đã ban hành nhưng ít dự án mô hình này được triển khai, không hấp dẫn nhà đầu tư do giới hạn vốn ngân sách nhà nước tối đa 50%.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, chỉ các dự án có vốn ngân sách nhà nước từ khoảng 55 - 65% mới lựa chọn được nhà đầu tư.
Thực tế này đặt vấn đề cấp thiết cần nghiên cứu, nâng tỉ lệ vốn góp Nhà nước tại các dự án PPP giao thông để thu hút nhà đầu tư tham gia.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết cho rằng, Chính phủ đã rất kịp thời giải quyết các vướng mắc và đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phần góp vốn ngân sách Nhà nước trong các dự án PPP tăng lên tối đa 70% là phù hợp với thực tiễn, nhất là các vùng còn khó khăn, đô thị lớn, chi phí giải phóng mặt bằng, nền hạ đường chiếm tổng mức đầu tư lớn.
Theo ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn, các địa phương có dự án đáp ứng tiêu chí theo quy định tại dự thảo Nghị quyết mà chưa đưa vào danh mục dự án cần đề xuất, đảm bảo quá trình triển khai không còn gặp vướng mắc.
"Quốc hội nên giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định khi thông qua Nghị quyết này", vị ĐBQH nêu ý kiến.
Một lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành chia sẻ, nâng tỉ lệ vốn góp Nhà nước là việc các nhà đầu tư PPP đang rất mong muốn.
"Để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho dự án giao thông, một trong những yếu tố tiên quyết là phương án tài chính phải khả thi.
Theo tính toán, thời điểm hiện tại, một dự án PPP giao thông có thời gian hoàn vốn 18 năm mới đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, ngân hàng nghiên cứu tham gia.
Với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn lớn, chúng ta không nên bó buộc vốn góp của Nhà nước không quá 50% mà tỉ lệ tham gia vốn của Nhà nước cần được điều chỉnh linh hoạt theo quy mô, tính chất, đặc thù của từng dự án.
Mục tiêu cuối cùng là cần có một phương án tài chính khả thi để thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước", lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Tiếp tục nghiên cứu cơ chế gỡ khó mỏ vật liệu thi công
Liên quan đến cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, theo đánh giá, mặc dù các nghị quyết ban hành cơ chế đặc thù đã được ban hành nhưng chưa tháo gỡ được gốc rễ các vướng mắc.
Thực tế, tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, sau 10 tháng triển khai, đến nay, công tác việc cấp mỏ đặc thù cho nhà thầu vẫn chưa hoàn thành do nhà thầu phải thực hiện quá nhiều thủ tục pháp lý.
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, để tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công dự án, việc thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường cần giao cho chủ đầu tư. Công tác GPMB mỏ vật liệu nên giao địa phương triển khai và bàn giao nhà đầu tư/nhà thầu thi công ngay sau khi khởi công.
Ủng hộ đề xuất trên, một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực giao thông (xin giấu tên) thẳng thắn cho biết: trước đây, yếu tố quyết định thắng lợi của các dự án giao thông là GPMB và vốn.
Hiện tại, thời gian GPMB đã được tối ưu nhờ cơ chế giao về địa phương, nguồn lực tài chính sẵn có, khó nhất là vật liệu thi công.
Vướng ở chỗ, các hạng mục phục vụ thi công dự án như: bãi thải, mỏ vật liệu, hiện nay nhà thầu đều phải tự làm và tự bỏ chi phí.
"Nghị quyết Quốc hội thí điểm cơ chế đặc thù cho dự án giao thông cần nghiên cứu đưa mỏ vật liệu là hạng mục được GPMB, tính vào chi phí dự án.
Nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu, thủ tục chuẩn bị mỏ vật liệu cũng cần được xem xét giao chủ đầu tư phối hợp với địa phương chuẩn bị ngay từ bước thiết kế để ngay khi giao thầu, đơn vị thi công có cơ sở bứt tốc tiến độ", lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất.
Trước đó, chiều 27/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều với nội dung chính gồm 5 nhóm chính sách, trong mỗi chính sách có danh mục thí điểm kèm theo.
Chính sách 1 là đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, thay vì không quá 50% như quy định hiện hành.
Chính sách số 2, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.
Chính sách số 3, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.
Chính sách 4 là đề xuất nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.
Chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận