Nghiên cứu phân kỳ đầu tư, hoàn thành dự án trước 2045
Bộ KH&ĐT vừa thông báo kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam ngày 29/3/2023.
Hội đồng thẩm định đánh giá, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố từ Hà Nội đến TP.HCM là một trong những dự án rất quan trọng, mang tầm chiến lược của đất nước.
Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị khẩn trương hoàn thiện Báo cáo NCTKT Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, nghiên cứu phân kỳ đầu tư, hoàn thành Dự án trước năm 2045. Ảnh: minh họa
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo PreFS Dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT bổ sung, làm rõ sự cần thiết đầu tư Dự án với vai trò khắc phục mất cân đối của hệ thống GTVT trên trục Bắc - Nam; Tạo một tuyến đường sắt mới tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam mang tính xương sống giữ vai trò chủ đạo (chở khách, hàng hóa) kết nối với các đầu mối vận tải, hội nhập quốc tế với các nước ASEAN, Trung Quốc, gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo đột phá chiến lược, động lực phát triển mới cho kinh tế - xã hội các địa phương mà Dự án đi qua.
Về phương án đầu tư, đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện phương án “kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h" theo Thông báo số 1209 của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Cùng đó, tiếp thu ý kiến của Tư vấn thẩm tra về cấp tốc độ thiết kế, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, công nghệ áp dụng để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.
Về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga, theo Hội đồng thẩm định, đây là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cũng như phát huy vai trò của Dự án. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước đã xin ý kiến của 20 tỉnh/thành phố về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga theo đề xuất của Tư vấn thẩm tra.
Kết quả, tất cả 20 tỉnh/thành phố đồng thuận với phương án số lượng nhà ga. Tuy nhiên, chỉ có 8 tỉnh/thành phố đồng thuận với phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga; 12 tỉnh chưa đồng thuận. Hội đồng đề nghị Bộ GTVT phối hợp Tư vấn thẩm tra, Tư vấn lập Báo cáo PreFS làm việc cụ thể với 12 tỉnh này để rà soát, nghiên cứu và thống nhất hướng tuyến, vị trí nhà ga với phương án tối ưu nhất, đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả cũng như phát huy vai trò của Dự án.
Về tiến độ thực hiện dự án, hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành Dự án trước năm 2045.
Hoàn thiện phương án huy động vốn, nghiên cứu mô hình PPP
Hội đồng cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án đề xuất của Tư vấn thẩm tra để hoàn thiện phương án huy động vốn cho Dự án, đảm bảo khả thi. Đồng thời bổ sung nội dung nghiên cứu mô hình thực hiện dự án PPP.
Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị nghiên cứu, đề xuất phương án huy động vốn, nghiên cứu mô hình dự án PPP. Ảnh: minh họa
Trong đó, đối tác công có trách nhiệm: Huy động phần vốn Nhà nước và quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng; Bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng. Đối tác Tư có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và nhà ga cao tầng. Đối tác Tư sẽ thành lập bộ máy vận hành khai thác và trả phí khấu hao cơ sở hạ tầng đã đầu tư (dự kiến thời gian khấu hao 75 năm) và trả phí bảo dưỡng hạ tầng cho Đối tác Công. Mô hình triển khai dự án theo hình thức chìa khóa trao tay.
“Do quy mô Dự án là hết sức lớn, thời gian triển khai Dự án dài, qua nhiều thời kỳ; Mức vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án lớn hơn mức quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP. Để triển khai Dự án cần phải có cơ chế đặc biệt báo cáo Chính phủ để xem xét trình Quốc hội. Do đó, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kết quả thẩm tra của Tư vấn thẩm tra và xây dựng cơ chế đặc biệt của Dự án”, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị.
Tại Tờ trình số 1281/TTr - BGTVT, ngày 14/2/2019 về Báo cáo NCTKT Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên hàng lang Bắc - Nam dài 1.559 km, đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, vận chuyển hành khách, có tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ. Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 58,71 tỷ USD, trong đó vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư.
Còn Tư vấn thẩm tra Dự án đề xuất, tổng chiều dài toàn tuyến 1.508,6km; đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, khai thác hỗn hợp; Tốc độ thiết kế tối đa 250 km/h cho tàu khách và tàu hàng tốc độ cao, 180 km/h cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận