Hạ tầng

Quy hoạch phát triển cảng biển Quảng Trị, Huế thế nào cho giai đoạn mới?

24/09/2020, 15:19

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đề xuất bổ sung khu cảng cạn, Quảng Trị đề nghị điều chỉnh công năng, quy mô cầu cảng tại khu bến Bắc và Nam Cửa Việt...

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị

Tổng thể các khu bến cảng cơ bản giữ nguyên như quy hoạch trước đây…

Ngày 23 và 24/9, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, đơn vị Tư vấn cùng các Sở ngành, đơn vị liên quan về quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng quy hoạch mới cho giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn.

Cảng biển Quảng Trị và Thừa Thừa Thiên-Huế thuộc nhóm cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3). Theo quy hoạch đã được phê duyệt thuộc, cảng biển Quảng Trị là cảng tổng hợp địa phương (loại 2), gồm các khu bến Bắc Cửa Việt, Nam Cửa Việt và khu bến Mỹ Thủy. Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1), bao gồm các khu bến chức năng: khu bến Chân Mây, Thuận An và bên chuyên dùng tại Điền Lộc. Trong đó, có 2 khu bến đang khai thác là Chân Mây và Thuận An.

Theo đánh giá của đơn vị Tư vấn, hệ thống đường bộ kết nối vào các cảng biển Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đều rất thuận lợi. Cảng biển Thừa Thiên-Huế cơ bản được đầu tư theo đúng quy hoạch, trong đó Chân Mây có 2 bến tiếp theo là bến số 2 và bến số 3 cơ bản hoàn thành xây dựng… Tại Quảng Trị, các bến tổng hợp đạt 100% quy hoạch, các bến chuyên dùng chậm tiến độ do các bến CD chưa hình thành và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị chậm phát triển so với kỳ vọng.

img
Quang cảnh buổi làm việc về quy hoạch phát triển cảng biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Định hướng quy hoạch cho thời kỳ mới, Tư vấn cho biết về cơ bản trong quy hoạch tổng thể các khu bến vẫn giữ nguyên như quy hoạch trước đây.

Tại Thừa Thiên-Huế, khu bến Chân Mây định là khu cảng tổng hợp container tiếp nhận cỡ tàu từ 3- 5 vạn tấn và lớn hơn, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế đến trên 225.000 GT. Trong quy hoạch lần này, bổ sung các bến chuyên dùng phục vụ tổng kho xăng dầu, LNG phù hợp với quy hoạch hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt; tiếp tục nghiên cứu đầu tư nối dài đê chắn sóng phía Bắc phù hợp với tiến trình phát triển cảng.

Thuận An là khu bến tổng hợp có bến xăng dầu tiếp nhận cỡ tàu từ 1- 5 nghìn tấn và các khu neo chuyển tải tiếp nhận các tàu trọng tải lớn. Cải tạo nâng cấp cảng Thuận An theo quy hoạch khu neo chuyển tải cho tàu lớn vượt khả năng nâng cấp luồng hàng hải để hỗ trợ cho hoạt động khai thác bến; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đê chỉnh trị luồng đảm bảo ổn định luồng tàu.

Khu bến Điền Lộc là các bến chuyên dùng phục vụ các nhà máy xi măng, nhiệt điện than, LNG quy hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch điện 8. Cải tạo nâng cấp và duy tu các tuyến luồng hàng hải theo quy hoạch và kiến nghị tỉnh bố trí quy hoạch khu vực chứa vật chất nạo vét phục vụ công tác duy tu, nâng cấp luồng hàng hải và nạo vét khu nước trước bến.

img
Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho hay, những đề xuất của tỉnh đã được Tư vấn nghiên cứu đưa vào quy hoạch sắp tới...

Cảng biển Quảng Trị cũng cơ bản giữ nguyên theo các quy hoạch được duyệt, trong đó khu bến tổng hợp, CD (hành khách, hàng lỏng) cho tàu đến 3-5 nghìn tấn phù hợp với khả năng nâng cấp luồng tàu. Đáng chú ý, các cầu cảng tổng hợp cảng Cửa Việt hiện đã vượt công suất, trong khi khu bến Mỹ Thủy chưa hình thành vì vậy Tư vấn kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu bến Cửa Việt làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng và cập nhật các nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể.

Khu bến cảng Mỹ Thủy là bến chuyên dùng phục vụ Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị kết hợp thu hút nguồn hàng quá cảnh Lào, Đông Bắc Thái Lan, phát triển phù hợp theo Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg của Chính phủ và các bến chuyên dùng than, LNG phục vụ ngành năng lượng phù hợp với quy hoạch điện quốc gia. Nâng cấp QL9 đoạn từ QL1 vào cảng Cửa Việt từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo quy hoạch; tiếp tục cải tạo, nâng cấp luồng cảng Cửa Việt bao gồm hệ thống đê chắn cát nhằm đảm bảo ổn định khai thác tuyến luồng.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, những đề xuất của tỉnh đã được Tư vấn nghiên cứu đưa vào quy hoạch sắp tới; đề nghị bổ sung cảng cạn vào quy hoạch. Tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị điều chỉnh công năng, quy mô một số cầu cảng tại 2 khu bến Bắc và Nam Cửa Việt…

Cơ bản đồng tình với đề xuất của Tư vấn, kiến nghị của tỉnh

img
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết cơ bản đồng tình với đề xuất của Tư vấn, kiến nghị của 2 UBND tỉnh về quy hoạch phát triển cảng biển của địa phương trong giai đoạn mới, trong đó lưu ý khu Chân Mây là cảng hỗn hợp, container với cỡ tàu đến 50.000 tấn, 40.000 TEUs và các tàu khác lớn hơn phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng biển ngang tầm công cộng hiện hữu, với tàu khách quốc tế 225.000 GT và lớn hơn; tiềm năng cho tàu đến 200.000 lớn hơn và container 8.000 và lớn hơn.

Thống nhất bổ sung các cảng chuyên dùng theo đề xuất của tỉnh cho các nhà máy nhiệt điện, điện khí phù hợp với quy hoạch các hệ thống được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thống nhất giữ nguyên quỹ tại khu bến Thuận An theo đề xuất của tỉnh để khai thác, đầu tư xây dựng các bến mới sau này phù hợp với kết cấu hạ tầng công cộng hiện tại cũng như cho tàu tiềm năng trong tương lai là tàu 22.000 tấn trong thời gian tiếp theo; bổ sung khu cảng cạn theo đề xuất của tỉnh.

Đối với kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng thống nhất điều chỉnh công năng cầu cảng số 4, quy mô cầu cảng số 3 dài tăng thêm 50m; điều chỉnh, bổ sung cầu cảng số 1 và số 2 khu bến Bắc Cửa Việt tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải lên 3- 5 nghìn tấn trên cơ sở luồng hiện hữu. Thống nhất điều chỉnh công năng cầu cảng số 4 khu bến Nam Cửa Việt từ cảng chuyên dùng sang cảng quân sự và điều chỉnh quy mô cầu cảng này từ 120m lên 200m. Thứ trưởng chỉ đạo Tư vấn cũng như các cơ quan liên quan của Bộ GTVT điều chỉnh cập nhật 2 diện tích đất tại khu bến Nam Cửa Việt từ quy hoạch bến cảng chuyên dùng sang đất QPAN theo đề nghị của tỉnh. Thống nhất với đề xuất của tỉnh khu bến Mỹ Thủy là cảng tổng hợp - container - chuyên dùng, bổ sung thêm cầu cảng công suất 200.000 tấn.

Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tìm vị trí thuận lợi để đổ vật chất nạo vét trong quá trình triển khai các dự án về cảng biển. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ GTVT và Bộ VH,TT&DL đề xuất với cấp có thẩm quyền để có nguồn đầu tư cảng khách quốc tế đáp ứng được yêu cầu của du khách quốc tế cũng như đảm bảo an toàn du lịch, an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường. Tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát lại quy hoạch và dự báo lượng hàng hóa để cập nhật lại tiến độ đầu tư các bến cho phù hợp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.