Xây dựng ba trung tâm logistics gần sân bay Long Thành
Thời gian gần đây, tỉnh Đồng Nai đã và đang quy hoạch, mời gọi đầu tư nhiều dự án vùng phụ cận sân bay Long Thành nhằm khai thác tối đa tiềm năng khi sân bay đi vào hoạt động.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhận định, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ là "thỏi nam châm thu hút đầu tư đối với nhiều ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ và logistics".
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2030 sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống hạ tầng toàn diện gồm đường bộ, đường hàng không, đường biển…
Khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, tạo cú hích đối với hàng loạt lĩnh vực công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và đô thị cùng phát triển.
Cũng theo ông Nguyên, hiện nay khu vực vùng ven sân bay Long Thành đang có diện tích lớn để phát triển nhiều dự án dịch vụ hàng không, phi hàng không. Đặc biệt phát triển mô hình thành phố sân bay, trong đó lấy dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không làm trung tâm.
Để phát huy tốt vai trò khu vực vùng ven sân bay, Đồng Nai quy hoạch và kêu gọi đầu tư 3 trung tâm logistics hiện đại cấp vùng: Trung tâm logistics phía nam sân bay Long Thành tại xã Tân Hiệp và xã Bàu Cạn thuộc huyện Long Thành có quy mô 100ha.
Trung tâm logistics phía bắc sân bay Long Thành tại xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ (nằm trong khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn tại huyện Cẩm Mỹ) với diện tích khoảng 100ha.
Trung tâm Logistics hậu cần cảng Phước An tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch với diện tích khoảng 234ha.
Ngoài ra, Đồng Nai còn nghiên cứu sử dụng 300ha trong đô thị sân bay và làng giáo dục 300ha tại huyện Nhơn Trạch; triển khai Trung tâm hội nghị triển lãm sân bay Long Thành.
Cũng theo ông Nguyên, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế, tỉnh Đồng Nai đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển logistics với hai sân bay là Long Thành và Biên Hòa (sân bay lưỡng dụng); cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, các tuyến đường sắt, cao tốc, bến xe với quy mô dự kiến gần 9.000ha.
Lợi thế về hạ tầng giao thông
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng của tỉnh Đồng Nai đã và đang được đầu tư phát triển đồng bộ. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi do tỉnh đa dạng hệ thống giao thông.
Tỉnh đang có và sẽ có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như QL1A, QL20, QL51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường kết nối cảng Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, 4, tuyến đường sắt Bắc - Nam...
Đồng Nai cũng chỉ cách Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 30km, gần cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Thị Vải - Vũng Tàu... Đây là những thuận lợi rất lớn cho các hoạt động giao thương trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là lợi thế để Đồng Nai phát triển mạnh dịch vụ logistics.
“Tỉnh Đồng Nai cam kết luôn đồng hành và sẽ tháo gỡ mọi vướng mắc của nhà đầu tư. Chúng tôi mong muốn thu hút thêm các nhà đầu tư mới, nhất là các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics”, bà Hoàng nói.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng nhận định: Khu vực sân bay Long Thành sẽ là khu vực hội tụ đầu tư, phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất đón nhà đầu tư vào tỉnh và kỳ vọng đón được những nhà đầu tư lớn. Để thực hiện được những điều đó ngành chức năng trong tỉnh phải minh bạch thông tin về quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư. Đồng thời, cải cách hành chính để thủ tục đầu tư được thông thoáng, thuận lợi, giữ chân các nhà đầu tư”, ông Lĩnh bày tỏ.
Nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay Long Thành
Đồng Nai xác định trong tương lai, Long Thành sẽ trở thành "đô thị trung tâm của vùng TP.HCM". Do đó, huyện Long Thành sẽ được nâng cấp thành "thành phố sân bay Long Thành".
Khu vực nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay Long Thành có quy mô khoảng 55.000ha (gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành và một phần huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).
Thành phố sân bay Long Thành bao gồm định hướng quy hoạch thành phố sân bay cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị dịch vụ đẳng cấp khu vực, trung tâm công nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn Net Zero và nông nghiệp công nghệ cao bền vững.
Ngoài ra thành phố sân bay sẽ có các phân khu chức năng gồm: Khu thương mại dịch vụ, tài chính, tổ chức sự kiện; khu vực phát triển logistics, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; khu đô thị (đô thị Long Thành mở rộng, Bình Sơn, Phước Thái); khu văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng và khu nghiên cứu và giáo dục đào tạo.
Về phát triển khu công nghiệp, ngoài 5 khu công nghiệp hiện hữu sẽ quy hoạch thêm 6 khu công nghiệp và định hướng phát triển ba khu dịch vụ logistics.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận