Thời sự

Sân bay Long Thành: Vì sao Quốc hội đồng thuận cao?

26/06/2015, 05:40

Với 428/461 phiếu thuận, sáng 25/6, QH đã thông qua chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành.

21

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành sáng 25/6
Ảnh: Nhật Anh

Sáng 25/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc trình bày Dự thảo Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nội dung này.

Đồng thuận cao

Tham gia biểu quyết có 461 ĐB (chiếm 93,32% trong tổng số 495 ĐBQH), trong đó có 428 ĐB nhất trí thông qua, chiếm 86,46% tổng số ĐBQH. Nếu tính trên số ĐB tham gia biểu quyết thì tỷ lệ ĐB tán thành lên tới 92,84%; 17 ĐB không tán thành (chiếm 3,68%); 16 ĐB không biểu quyết (chiếm 3,47%). Với kết quả này, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

Trong các kỳ họp gần đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia:

- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII (tháng 11/2009): Chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, 77,48% số phiếu tán thành.

- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII (tháng 11/2009): Chủ trương xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu, 85,8% số phiếu tán thành.

Trước đó, thay mặt UB Thường vụ QH, Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu đã báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án CHK quốc tế Long Thành. Theo báo cáo, ngày 4/6, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo giải trình, tiếp thu của UB thường vụ QH, đã có 15 vị ĐBQH phát biểu thảo luận tại Hội trường về nội dung này và ba vị ĐBQH gửi ý kiến tham gia bằng văn bản. Tất cả các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án CHK quốc tế Long Thành. Một số ý kiến cho rằng do tính cấp thiết của dự án, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa dự án vào khai thác.

Một số ĐBQH cho rằng việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài; tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt vai trò giám sát của QH, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết. Nhiều ý kiến yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án; bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực; đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.

22

Các ĐBQH “bấm nút” thông qua chủ trương đầu tư CHK quốc tế Long Thành ngày 25/6 - Ảnh: Lã Anh

ĐBQH phấn khởi và kỳ vọng

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang QH ngay sau khi Chủ trương đầu tư Dự án CHK quốc tế Long Thành được QH thông qua, ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách bày tỏ sự vui mừng vì tỷ lệ đại biểu đồng thuận rất cao. Theo ông Thụ, việc QH thông qua chủ trương sẽ giải quyết được vấn đề hàng không nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, tháo gỡ nút thắt cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai. “Tôi cho rằng chủ trương đầu tư CHK quốc tế Long Thành không chỉ cần thiết mà là cấp bách. Bởi vì với tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không như hiện nay, đặc biệt là tăng trưởng số lượng hành khách và khối lượng hàng hóa vận tải qua sân bay Tân Sơn Nhất thì sau năm 2016, sân bay này sẽ quá tải. Vì vậy, việc phải xem xét để giải quyết vấn đề này là cần thiết”, ĐB Bùi Đức Thụ phân tích và cho rằng, đây mới là thông qua chủ trương đầu tư, tiếp theo Bộ GTVT cần phải làm một loạt công việc theo Luật Đầu tư công, phải tập trung xây dựng dự án khả thi, báo cáo lại QH. Nếu được chấp thuận thì bắt đầu triển khai một loạt dự án thu xếp nguồn vốn, thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, thi công, rồi hình thành các bộ phận để vận hành, quản lý dự án... “Kỳ vọng lớn nhất của tôi là mọi thứ được tổ chức theo đúng lộ trình và đảm bảo hiệu quả tối ưu, thực hiện đúng pháp luật, hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo của người dân”, ông Thụ chia sẻ.

Hôm nay, bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Sau hơn một tháng làm việc, hôm nay (26/6), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ bế mạc. Theo dự kiến chương trình làm việc, trong ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông Thụ cũng cho biết, đây là một dự án lớn, được triển khai đầu tư trong một khoảng thời gian tương đối dài nên chắc chắn sẽ đụng đến nhiều vấn đề nếu không có phương án chỉ đạo quyết liệt ngay từ bây giờ. Cụ thể như vấn đề giải phóng mặt bằng. Kinh nghiệm cho thấy việc thu hồi đất thường không thể tránh khỏi khiếu kiện của người dân xung quanh chế độ, chính sách đền bù nên đây cũng là vấn đề lớn cần tập trung giải quyết.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đánh giá, việc QH thông qua chủ trương đầu tư CHK quốc tế Long Thành với một tỷ lệ phiếu cao thể hiện sự đồng thuận của ĐBQH cũng như cử tri cả nước. Theo ông Ngân, việc QH thông qua chủ trương thu hồi đất một lần 5 nghìn ha dù có khiến cho tổng mức đầu tư tăng lên nhưng vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa xóa được nguy cơ vỡ quy hoạch thường gặp ở những dự án lớn. Ông Ngân cho biết kỳ vọng lớn nhất là dự án sẽ được triển khai theo đúng những gì mà cơ quan soạn thảo đã lập: “Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thể hiện được tinh thần làm việc một cách nghiêm túc thông qua việc rà soát các chi tiết, các khoản chi phí không hợp lý, sắp tới cần tiếp tục phát huy việc đó. Nợ công hiện nay đang ở mức cao nên cần tiết kiệm từng khoản chi một để công trình phát huy hiệu quả cao nhất”, ông Ngân nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, nhờ có những giải trình chi tiết, thuyết phục hơn của Bộ GTVT và các báo cáo khả thi, báo cáo tác động rõ ràng hơn đã khiến các ĐBQH tin tưởng hơn. Đó là lý do lần biểu quyết này cho thấy tỷ lệ ĐBQH đồng thuận rất cao: “Đây mới là đồng ý về mặt chủ trương, nên tôi rất mong muốn dự án phải làm sớm, dự toán phải mang tính chính xác cao, hạn chế phát sinh để đảm bảo hiệu quả cao nhất”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.