Đường bộ

Sớm đầu tư cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang

13/05/2022, 15:45

Cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được địa phương đề xuất đầu tư sớm hơn dự kiến tại quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt.

Nghiên cứu nhu cầu làm cơ sở báo cáo điều chỉnh

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về việc đầu tư dự án Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1).

img

Cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được đề xuất đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 50 km - Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) có chiều dài 200 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030).

Tuy nhiên, theo nội dung đề xuất của UBND tỉnh Điện Biên, dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 dài 50 km với quy mô 2 làn xe (giai đoạn 2 hoàn thiện quy mô 4 làn xe) dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành từ tháng 6/2026.

UBND tỉnh Điện Biên lên kế hoạch hoàn thành các thủ tục đề xuất dự án, trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022; hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế trong tháng 7/2023; hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 11/2023; khởi công xây dựng vào tháng 12/2023; hoàn thành đưa vào khai thác vận hành trong tháng 6/2026.

Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ GTVT làm rõ sự cần thiết đầu tư, phù hợp với quy mô đề xuất cũng như tính kết nối đồng bộ dự án toàn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên.

Đồng thời, dự báo nhu cầu, lưu lượng giao thông trên tuyến làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án sớm hơn so với quy hoạch đã được phê duyệt.

Về hình thức đầu tư, Bộ Tài chính nhận định, căn cứ theo quy định tại Luật PPP, việc đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, theo Bộ Tài chính, tại Thông báo 92 ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng...”.

Căn cứ sự cần thiết cũng như những điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện đảm bảo hồ sơ, trình tự thủ tục theo đúng quy định của Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan.

img

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, vốn chủ sở hữu, dự kiến nguồn vốn huy động cho dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang còn được huy động từ nhiều nguồn khác thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) - Ảnh minh họa

Hơn 8.100 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1

Trước đó, tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2022, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 (đoạn TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/QL279) theo phương thức đối tác công ty (PPP), loại hợp đồng BTL.

Dự án có tổng chiều dài 50 km (gồm 45 km tuyến chính và 5 km đoạn kết nối vào QL279 để đảm bảo việc vận hành, kết nối khai thác).

Theo đề xuất, giai đoạn 1 dự án sẽ triển khai xây dựng tuyến đường tốc độ cao, được thiết kế với yếu tố bình đồ, trắc dọc cơ bản theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012.

Các yếu tố còn lại phân kỳ đầu tư theo quy mô đường cấp III miền núi, có mặt cắt ngang 2 làn xe, bề rộng nền đường rộng 9m, trên tuyến dự kiến 2 vị trí xây dựng hầm. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ hoàn thiện quy mô 4 làn xe theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 8.177 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 5.900 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.269 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 2.989 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn như: ngân hàng, các nhà đầu tư có lợi ích liên quan như bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.