Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều.Tuy nhiên, nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều.
Đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực là để phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi có nhiều hơn các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển ngành điện.
Cùng đó, sự xuất hiện các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT - điện tái tạo) ngày càng nhiều.
Điện tái tạo phải đàm phán giá
Theo tài liệu của Báo Giao thông, tổng công suất đặt nguồn điện năm 2019 là 56GW và tăng lên trên 69,3GW năm 2020 nhờ sự phát triển nhanh của các nhà máy điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời mái nhà.
Tốc độ này góp phần đưa tỷ lệ xây dựng nguồn điện đạt 132% so với tổng công suất đặt giai đoạn 2016-2020 của Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tuy nhiên, cơ cấu xây dựng nguồn điện lại khác biệt. Cụ thể, trong khi các nguồn NLTT vượt mức 480%, thì các nguồn nhiệt điện chỉ đạt gần 60%.
Tờ trình Bộ Công thương đánh giá, tốc độ phát triển NLTT đã được thúc đẩy nhờ các chính sách, quy định khuyến khích phát triển. Song "chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định".
Hiện, giá điện NLTT trên thế giới ngày càng giảm. Trong khi, quy mô nguồn điện ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Thị trường công nghệ, thiết bị điện gió đã trở nên cạnh tranh hơn.
Do vậy, Bộ Công thương cho rằng, việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ không còn phù hợp.
Qua đó, giá bán điện các dự án điện NLTT sẽ áp dụng như các dự án điện khác là thủy điện, nhiệt điện. Còn các ưu đãi đầu tư khác đã được quy định tại Luật Đầu tư.
Tức là, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế đàm phán.
Cụ thể, các chủ đầu tư dự án sẽ phải đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.
Tư nhân được làm truyền tải
Một bất cập khác là "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện" cũng được đặt ra ở lần sửa này.
Bộ Công thương hoàn thiện quy định trong hoạt động truyền tải theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện.
Đồng thời, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải phục vụ đấu nối nguồn điện.
Trong đó, quy định "Nhà nước độc quyền trong xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện" thay vì những quy định độc quyền chung chung.
Như vậy, Luật Điện lực sẽ không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải.
Theo đó, tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) sẽ cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của nhà nước (thông qua các tập đoàn/doanh nghiệp nhà nước) và các tiêu chí khác để xác định các dự án nào do nhà nước hay tư nhân thực hiện trong từng thời kỳ quy hoạch.
Luật Điện lực sửa đổi cũng đặt ra việc hoàn thiện các quy định về thị trường điện.
Theo đó, luật sẽ bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch là một hình thức giao dịch trong thị trường điện lực cạnh tranh.
Bổ sung quy định về hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện thông qua lưới điện quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn điện NLTT.
Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện.
Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, để dễ dàng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ khi tham gia thị trường điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận