"Thu nhỏ" nước Pháp bằng tàu tốc độ cao
Pháp là nước thứ hai tại châu Âu đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao và cũng giống như Nhật Bản, Italia, xuất phát từ nhu cầu mạng lưới đường sắt thông thường không đáp ứng được nhu cầu.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, Pháp nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng thập niên 1970, đường bộ cao tốc phát triển mạnh và đường hàng không ngày càng có nhiều phân khúc giá dễ tiếp cận. Trong khi hệ thống đường sắt truyền thống có thời gian khai thác 150 năm đã xuống cấp, khiến cho vận tải đường sắt không còn là lựa chọn cho nhu cầu đi lại.
Trước nhu cầu tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh của đường sắt, Chính phủ Pháp đã quyết định phát triển một tuyến đường sắt tốc độ cao (Train à Grande Vitesse - TGV) trên hành lang đang quá tải là Paris - Lyon.
Năm 1981, Pháp đưa vào khai thác tuyến TGV đầu tiên nối liền Paris và Lyon, tốc độ khai thác 260km/h, tuy nhiên tốc độ thiết kế và chạy thử đạt kỷ lục thế giới ở mức 380km/h. Sự ra đời của TGV mở đầu một giai đoạn phát triển đột phá mới của ngành đường sắt Pháp, TGV đã "thu nhỏ" nước Pháp và thậm chí châu Âu trong bán kính 3-4 giờ đi lại, nối các đô thị lớn của nước Pháp.
Trong giai đoạn 1990-2010, nhiều tuyến TGV trong nước được khánh thành. Trong đó có tuyến Eurostar dài 50km với đường hầm eo biển Manche sang Anh, tuyến Thalys kết nối Bỉ và Hà Lan, nối nước Pháp với châu Âu và nước Anh với thời gian vừa phải, mức độ an toàn cao, chất lượng dịch vụ tốt.
Tàu tốc độ cao của Pháp (TGV) phần lớn tập trung vào phục vụ vận tải hành khách, chỉ một số ít các mặt hàng nhỏ gọn, giá trị cao trước đây được tổ chức vận chuyển trên các tàu chuyên dùng hoán cải từ tàu khách TGV Sud-Est (tàu thư tín La Poste). Tuy nhiên, năm 2015 thua lỗ do nhu cầu vận tải thấp nên đã dừng khai thác.
Trong vòng 10 năm sau khi khánh thành chuyến TGV đầu tiên, lượng hành khách liên tục tăng mạnh. Theo Tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp (SNCF Group), ước tính hệ thống TGV phục vụ khoảng 250.000 hành khách mỗi ngày, trung bình đạt 90 triệu người/năm và đến cuối năm 2003, hệ thống TGV đã vận chuyển 1 tỷ hành khách, đến 2010 là 2 tỷ hành khách.
Ở thời điểm nhu cầu vận tải tăng cao nhất, TGV chiếm khoảng 75% khối lượng vận chuyển hành khách trên tuyến giao thông do SNCF quản lý. Lợi thế giúp TGV cạnh tranh được với hàng không và đường bộ là thời gian di chuyển, dịch vụ đa dạng, thuận tiện, an toàn và giá vé rẻ hơn nhiều so với máy bay. Đồng thời thân thiện với môi trường là một yếu tố quan trọng đối với người dân Pháp lựa chọn và giúp TGV không có đối thủ ở những quãng đường dưới 1.000km, thời gian dưới 3 giờ.
Tại Pháp, việc đầu tư và quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao của Pháp đều được giao cho các công ty thuộc Chính phủ Pháp. Nguồn vốn đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao đa dạng, nhưng vốn chính phủ hoặc các công ty thuộc chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tiếp đến là các chính quyền vùng nơi tuyến đi qua.
Đơn cử, tuyến Rhin - Rhône (nhánh phía đông, giai đoạn 1), vốn chính phủ và công ty thuộc chính phủ chiếm tỷ trọng lên đến hơn 60%; vốn các chính quyền vùng Franche-Comté, vùng Alsace, vùng Burgundy tổng cộng chiếm tỷ trọng hơn 28%; ngoài ra là các nguồn khác…
Sau các giai đoạn cải tổ, sáp nhập, từ tháng 1/2015 đến nay, nhiệm vụ xây dựng, sở hữu, quản lý và tổ chức vận hành khai thác đường sắt Pháp do SNCF đảm nhiệm để bảo đảm tối ưu sử dụng mạng lưới đường sắt quốc gia, an toàn, chất lượng dịch vụ và kiểm soát chi phí theo các điều kiện được thiết lập. Qua đó bảo đảm cạnh tranh công bằng, không phân biệt đối xử giữa các chủ thể khai thác đường sắt.
Tự nghiên cứu, xuất khẩu công nghệ
Là nước có công nghệ gốc, Pháp phát triển và đạt nhiều thành tựu trong đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Năm 2007, Pháp phá kỷ lục thế giới về tốc độ chạy thử của tàu tốc hành ở tốc độ 574,8km/h. Cho đến nay, đây vẫn là kỷ lục thế giới cho công nghệ tàu chạy trên ray. Công nghệ TGV được xuất khẩu chuyển giao ra nhiều nước Châu Âu, Marốc và Hàn Quốc. Đối với người Pháp, TGV là một "niềm tự hào dân tộc".
Pháp có điều kiện địa hình khá bằng phẳng, tàu chủ yếu chạy trên nền đường đắp, nhu cầu vận tải không lớn do không hình thành các hành lang tập trung đông dân cư. Vì vậy đoàn tàu của Pháp có xu hướng tăng cường tính tiện nghi, cải thiện tốc độ đoàn tàu, khối lượng công trình ít nên không có nhu cầu nghiên cứu cải thiện giảm tải trọng trục dẫn tới sử dụng loại động lực tập trung cho phép giảm chi phí duy tu bảo dưỡng và giảm độ ồn cho hành khách.
Do điều kiện địa hình thuận lợi, cho phép sử dụng các đường cong bán kính lớn nên có thể sử dụng giá chuyển hướng dùng chung tăng cường độ cứng và nâng cao tốc độ đoàn tàu. Công nghệ của Pháp có sử dụng cho chạy chung khách với hàng; chạy chung giữa tàu tốc độ cao với tàu thông thường. Tuy nhiên, hiện Pháp cũng đang chuyển dần sang khai thác riêng tàu khách chạy tốc độ cao.
Để đạt được tốc độ 320km/h, TGV phải sử dụng đường ray đặc biệt và hàng loạt những cải tiến cho phép tàu chạy ở tốc độ cao trên nguyên tắc: môtơ công suất lớn, trọng tâm của tàu thấp, hình dáng khí động học thuận lợi, điểm móc nối phải chắc chắn, tín hiệu hỗ trợ chính xác cho lái tàu khi không thể quan sát được hai bên lúc tàu chạy với tốc độ cao… Các đường ray được thiết kế đặc biệt để chịu được tốc độ cao, giảm thiểu rung lắc và tiếng ồn, đảm bảo an toàn và thoải mái cho hành khách.
Sự cải tiến liên tục trong công nghệ và thiết kế đã giúp tàu TGV duy trì vị thế dẫn đầu trong các nước sản xuất tàu đường sắt tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách về tốc độ và tiện nghi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận