Hạ tầng

Tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu làm cao tốc qua Huế

29/08/2021, 14:00

Những ngày trung tuần tháng 8/2021, nhịp điệu thi công các gói thầu XL5, 6, 7 (Km 46+200 - Km 69+00, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) thêm hối hả.

Ban QLDA đường HCM phối hợp chặt chẽ ngành chức năng, địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn thiếu vật liệu đất đắp, đảm bảo công tác thi công nền đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua Thừa Thiên - Huế trước mùa mưa năm nay.

img

Lãnh đạo Phòng ĐHDA 2 đôn đốc tiến độ, kiểm soát chất lượng trên công trường cao tốc qua Huế

Kiểm soát dịch, tăng tốc thi công bù tiến độ

Những ngày trung tuần tháng 8/2021, nhịp điệu thi công các gói thầu XL5, 6, 7 (Km 46+200 - Km 69+00, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) thêm hối hả.

Từng đoàn xe chở vật liệu đất đắp nối nhau ra vào. Dây chuyền san, ủi, lu lèn… đã được tăng cường thi công hối hả trước sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát (TVGS), điều hành dự án (ĐHDA).

Ghi nhận của PV, nhiều đoạn tuyến cơ bản hình hài nền đường cao tốc, chạy cắt qua một số khu dân cư, đồng ruộng. Để đảm bảo công tác thi công trong tình hình mới, vừa sản xuất vừa chống dịch, tất cả CBCNV, công nhân, lái máy trên công trường được phổ biến tuân thủ quy định 5K, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát trùng…

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng ĐHDA 2, Ban QLDA đường HCM cho hay, Ban cùng TVGS đã đến từng lán trại, trụ sở BĐH của nhà thầu để phổ biến, hướng dẫn và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định phòng dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ và ổn định nhân lực, thi công trên công trường.

Theo ông Hưng, hiện các nhà thầu vào đợt cao điểm trong công tác thi công nền đường. Tranh thủ thời tiết, điều kiện thuận lợi, hầu hết các đơn vị tăng ca, tăng kíp để bù phụ khối lượng còn chậm do trước đây thiếu nguồn cung đất đắp.

Thống kê đến nay, các gói xây lắp này đạt sản lượng trung bình hơn 40%, trong đó, gói thầu XL7 đạt trên 50% giá trị hợp đồng.

Lãnh đạo Ban QLDA đường HCM cho hay, ngay từ khi triển khai dự án, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, sự vào cuộc rốt ráo trong công tác GPMB của các địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua, công trình gặp không ít bất lợi về thời tiết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, vào mùa mưa bão năm 2020, toàn bộ công trường phải “đắp chiếu” không thể triển khai suốt 4 tháng trời.

Thậm chí, nhiều hạng mục nền đất đã thi công bị lũ xói lở, hư hại, gây áp lực lớn đến tiến độ hoàn thành gói thầu. Bên cạnh đó, quá trình triển khai phát sinh một số vị trí phải xử lý kỹ thuật (đất yếu, hang karst) và bổ sung một số hạng mục (hầm chui; cống, mương dẫn dòng thoát nước…) theo ý kiến đề xuất của nhân dân, địa phương để phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán sinh hoạt của nhân dân…

Dù các địa phương rốt ráo vào cuộc GPMB, bàn giao công địa thi công, nhưng vẫn còn một số vị trí vướng mắc mặt bằng xôi đỗ tuy không nhiều nhưng cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Đáng kể, do đặc thù địa hình, quy hoạch, chất lượng nguồn vật liệu cao tốc yêu cầu khắt khe hơn khiến thời gian đầu triển khai các gói thầu XL5, 6, 7 qua địa bàn Phong Điền, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) gặp khó khăn vướng mắc lớn về nguồn đất đắp nền cho dự án, toàn bộ 3 gói thầu thiếu hơn 2.000.000m3.

Nhờ những giải pháp kỹ thuật (sử dụng công nghệ thi công để tận dụng tối đa nguồn đất lẫn đá đắp nền), sự vào cuộc tích cực của địa phương trong công tác rút ngắn thủ tục cấp mỏ mới, đến nay, gói thầu XL7 cơ bản đảm bảo nguồn vật liệu, còn lại 2 gói thầu (XL5, XL6) còn đang thiếu gần 1.000.000m3 đất đắp.

Trong đó, gói XL5 thiếu hơn 300.000m3, XL6 thiếu hơn 600.000m3, khiến nỗ lực “hợp long” nền đường đoạn tuyến này thêm áp lực.

Hợp lực thông điểm nghẽn vật liệu

img

Hình hài nền đường dự án Cao tốc Cam Lộ- La Sơn đang hình hài trên các gói thầu XL5,6,7

Theo ông Hưng, trước khó khăn, áp lực không nhỏ, Ban cùng các nhà thầu, đơn vị triển khai dự án nỗ lực chọn giải pháp thi công linh hoạt, với mục tiêu cao nhất bù tiến độ, đảm bảo cơ bản công tác nền đường ngay trước mùa mưa năm nay.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế để tháo gỡ mặt bằng và đặc biệt là nguồn vật liệu đất đắp.

Thời gian qua, để tháo gỡ điểm nghẽn vật liệu, lãnh đạo Ban QLDA đường HCM, Phòng ĐHDA 2 trực tiếp khảo sát hiện trường khai thác ở gần chục điểm mỏ, dự án nạo vét lòng hồ, quy hoạch nguồn khai thác khoáng sản, làm việc với các địa phương, ngành TN&MT…

Từ đó, trên tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ, Ban QLDA đường HCM đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành ưu tiên giải quyết các thủ tục để sớm bổ sung nguồn vật liệu gần 1.000.000m3 đất đắp cung cấp cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình.

Trao đổi với PV, ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trung tuần tháng 8/2021, Sở đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan, Ban QLDA đường HCM để phối hợp rà soát, xử lý dứt điểm các thủ tục, đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các “điểm nghẽn” lớn của gói thầu XL5, XL6. Qua đó, thống nhất đề xuất UBND tỉnh nhiều phương án xử lý tháo gỡ nguồn vật liệu.

Cụ thể, xin cấp phép khai thác đất tầng phủ tại mỏ đá vôi Phong Xuân (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm); đất tầng phủ mỏ đất sét Huỳnh Trúc (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền); đẩy nhanh GPMB phần diện tích 1,6ha tại mỏ đất đồi Vũng Nhựa (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) của Công ty Trường Thịnh; kiến nghị mở rộng mỏ Hiền Sỹ từ 5ha lên 10ha theo quy hoạch; tham mưu UBND tỉnh đấu giá đất dôi dư trong quá trình nạo vét hồ Khe Tăm (xã Phong Mỹ) để tăng cường nguồn cung vật liệu cho dự án cao tốc qua Huế; đẩy nhanh tiến độ, thủ tục đưa vào khai thác các khu vực đã được UBND tỉnh quy hoạch làm mỏ khai thác vật liệu san lấp tại đồi Kiền Kiền, xã Phong Thu (QHĐ1) và khu vực phường Hóp 2, xã Phong An (QHĐ5); kiến nghị UBND tỉnh nâng công suất khai thác năm 2021 đối với các mỏ đá Trường Sơn, Coxano Hương Thọ và Việt Nhật…

img

Ban QLDA đường HCM, Phòng ĐHDA 2 nỗ lực phối hợp địa phương để sớm thông điểm nghẽn thiếu gần 1 triệu khối đất đắp

Ông Hồ Đôn, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, cao tốc qua Huế là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh và huyện Phong Điền.

Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các mỏ trong công tác GPMB, thỏa thuận đền bù tài sản là cây trên đất và đất của người dân.

Theo lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực tế việc chuyển đổi đất rừng đối với các vị trí, điểm mỏ quy hoạch khá phức tạp, tốn thời gian. Tuy nhiên, tỉnh đang tập trung tháo gỡ để tạo nguồn cung ứng vật liệu cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đặc biệt gói XL5, XL6.

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng cho hay, nếu được sớm tháo gỡ nguồn vật liệu sẽ tạo đà bứt tốc tiến độ các gói thầu trong thời gian tới. Hiện, nhiều nhà thầu tập trung nhân vật lực, nhưng việc khan hiếm nguồn đất đắp khiến nhiều đơn vị chưa phát huy hết công suất.

Ngay khi đảm bảo nguồn cung gần 1.000.000m3 đất, Ban QLDA đường HCM, Phòng ĐHDA2 chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị vận chuyển tăng ca, tăng kíp, tăng cường trang thiết bị để bù phụ tiến độ công trình.

Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu thực hiện đúng cam kết sửa chữa kịp thời hư hỏng phát sinh của đường công vụ, tưới nước, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng dự án đi qua.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có chiều dài gần 100km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3km, đoạn qua Thừa Thiên - Huế dài 61km, với tổng vốn đầu tư 7.699 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, về vấn đề thiếu nguồn vật liệu cao tốc, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc mở rộng một số mỏ vật liệu để đủ đáp ứng vật liệu đất đắp cho dự án.

Để đảm bảo tiến độ dự án cũng như công tác phòng chống dịch, Ban thường xuyên quán triệt, lập tổ theo dõi đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.