Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 28/4: Kit thử Covid-19 của Trung Quốc sai kết quả?

28/04/2020, 14:23

Cập nhật tin thế giới mới nhất 28/4: Mỹ cáo buộc kit thử Covid-19 của Trung Quốc đọc sai kết quả; Hàn Quốc nêu giả thuyết ông Kim vắng bóng...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Kit xét nghiệm Covid-19 của Trung Quốc bị cho là kém chất lượng. Ảnh: AFP

Mỹ cáo buộc kit thử Covid-19 của Trung Quốc đọc kết quả sai

Mỹ cáo buộc Trung Quốc gửi kit thử Covid-19 kém chất lượng, thậm chí kit xét nghiệm kháng thể giả, và “thủ lợi” từ đại dịch.

“Chúng ta không thể để Trung Quốc đưa sang những bộ xét nghiệm sai hay giả, vì việc này sẽ làm gián đoạn mọi thứ” - Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói với chương trình “Fox và Những người bạn” trên kênh Fox hôm 27/4.

“Có nhiều bộ xét nghiệm kháng thể đến từ Trung Quốc chất lượng thấp, đọc kết quả sai và đại loại như thế” - ông Navarro, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm phụ trách các vấn đề cung ứng liên quan tới dịch Covid-19, cho hay.

Mỹ dựa nhiều vào Trung Quốc về những trang bị cơ bản và thuốc men và hai đối thủ chiến lược - thương mại đã cáo buộc lẫn nhau trong lúc dịch bệnh bùng phát.

Hôm 27/4, Tổng thống Donald Trump nói Mỹ có thể đòi Trung Quốc bồi thường vì để Covid-19 từ Vũ Hán lan rộng khắp thế giới.

Hàn Quốc nêu giả thuyết khiến ông Kim Jong-un vắng bóng

Giới chức Hàn Quốc cho rằng, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vắng bóng trước công chúng thời gian dài có thể do những lo ngại dịch Covid-19, không phải do vấn đề sức khỏe như đồn đoán.

img
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Ông Kim Yeon-chul, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc phụ trách vấn đề Triều Tiên, cho rằng: “Đúng là ông ấy chưa từng bỏ lỡ sự kiện kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành kể từ khi nhậm chức, nhưng Triều Tiên đã hủy nhiều sự kiện kỷ niệm do lo ngại dịch Covid-19”.

Ông Kim Yeon-chul dẫn ra ví dụ cho thấy ông Kim Jong-un từng văng bóng trước công chúng gần 20 ngày hồi giữa tháng 1. “Tôi không thấy có gì bất thường trong bối cảnh hiện nay (dịch Covid-19)”, quan chức Hàn Quốc nói.

Truyền thông Triều Tiên đến nay không đề cập đến tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un, song cập nhật thông tin gần như hàng ngày về các hoạt động đối nội, đối ngoại của ông như gửi điện mừng nguyên thủ nước ngoài, cảm ơn công nhân xây dựng trong nước. Bộ trưởng Kim Yeon-chul cho rằng, điều này cho thấy ông Kim Jong-un vẫn đang làm công việc điều hành. Giới chức Hàn Quốc cũng khẳng định, các nguồn tin tình báo của họ cũng cho thấy không có gì bất thường ở Triều Tiên.

"Người hùng" chống dịch Covid-19 tại New York tự tử

Theo NYT, bác sĩ Lorna M.Breen, trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện NewYork-Presbyterian Allen tại Manhattan, New York (Mỹ) tham gia điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19, ngày 26/4 đã tự tử tại quê nhà Charlottesville, bang Virginia.

img
Bác sĩ Lorna M. Breen. Ảnh New York Post.jpg

Phát ngôn viên của cảnh sát Charlottesville cho biết, bác sĩ Lorna đã được đưa tới bệnh viện gần đó để cấp cứu, nhưng không thể qua khỏi do vết thương cô tự gây ra quá nặng.

Bác sĩ Lorna năm nay 49 tuổi và không hề có bất kỳ dấu hiệu bất ổn thần kinh nào trước đó. Cha của bác sĩ Lorna, ông Dr. Philip C. Breen - người cũng là một bác sĩ, cho biết, trong lần cuối ông nói chuyện với con gái, cô có vẻ xa cách và ông cảm thấy có gì đó không ổn. Cô đã kể với ông về cảnh các bệnh nhân Covid-19 phải chịu các đau đớn khủng khiếp trên xe cấp cứu và có người đã chết trước khi tới được bệnh viện.

“Nó đã cố gắng làm tốt công việc của mình và chính điều đó đã khiến nó kiệt sức”, ông Philip cho biết, nói thêm rằng con gái đã nhiễm Covid-19 nhưng quay lại làm việc sau khi hồi phục nhờ 10 ngày điều trị. Bệnh viện sau đó đã trả cô về nhà, trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra cuối tuần trước.

“Nó thực sự đã chiến đấu ở tuyến đầu”, ông Philip nói. “Chắc chắn con cần được tuyên dương như một người hùng, bởi thực sự là như vậy. Con gái tôi đã phải chịu đựng nhiều đau đớn như bất kỳ ai khác đã chết bởi Covid-19”.

Tổng thống Trump bác bỏ khả năng hoãn bầu cử Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 28/4 (giờ Việt Nam) bác bỏ cáo buộc của đối thủ Joe Biden, người nắm chắc quyền đại diện Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, cho rằng ông Trump sẽ tìm cách hoãn bầu cử.

img
Tổng thống Trump và cựu Phó tổng thống Biden sẽ đối đầu trực tiếp vào ngày 3/11

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi ngày bầu cử Mỹ. Tại sao tôi phải làm thế?”, Tổng thống Trump nói trước báo giới trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

“Tôi mong đợi đến ngày ấy, và (nghi ngờ bầu cử bị hoãn) chỉ là một luận điệu tuyên truyền của những người làm việc cho ông ấy (Biden)”, Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Trump.

Đây là phản ứng của đương kim chủ nhân Nhà Trắng sau khi ông Biden, cựu Phó tổng thống Mỹ, trong một buổi vận động gây quỹ trực tuyến hồi tuần trước nêu lên ý kiến rằng: “Ông ấy (Tổng thống Trump) sẽ tìm cách hoãn ngày bầu cử”, theo Đài CNN.

Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống nước này không thể tự ý thay đổi ngày bầu cử Mỹ, vốn luôn diễn ra vào thứ ba đầu tiên sau ngày 1/11. Năm nay ngày đó rơi vào ngày 3/11.

Trong một diễn biến liên quan, kết quả khảo sát do báo USA Today kết hợp với Đại học Suffolk công bố vào ngày 27/4 cho thấy hiện ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump đến 6%. Theo đó, 44% số cử tri Mỹ tham gia khảo sát ủng hộ ông Biden, so với 38% đối với Tổng thống Trump.

Hàng triệu người đòi Tổng giám đốc WHO từ chức

Kiến nghị yêu cầu người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ chức đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký trên toàn cầu.

Bản kiến nghị trên được khởi xướng từ hồi cuối tháng 1 nhằm yêu cầu Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phải từ chức do thất bại trong việc xử lý đại dịch, theo Korea Times.

img
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi nghĩ rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò Tổng giám đốc WHO”, lá đơn kiến nghị được đăng tải trực tuyến và biên dịch sang nhiều thứ tiếng trên trang web Change.org.

Đơn kiến nghị cáo buộc ông Tedros thiên vị chính phủ Trung Quốc và ứng phó chậm trễ với dịch: “Chúng tôi rất thất vọng. WHO đáng lẽ phải là một tổ chức trung lập về chính trị. Ông Tedros chỉ tin vào số liệu của Trung Quốc mà không tiến hành điều tra”.

45% người Brazil muốn xem xét bãi nhiệm Tổng thống

Thăm dò mới nhất cho thấy người Brazil chia rẽ về việc xem xét bãi nhiệm Tổng thống Bolsonaro, với 45% người được hỏi đồng ý, 48% phản đối.

img
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phát biểu tại họp báo ở Brasilia, ngày 24/4. Ảnh: AFP

Kết quả thăm dò hôm 27/4 do Viện Datafolha của Brazil tiến hành cho thấy đa số người dân tin các cáo buộc của cựu Bộ trưởng Tư pháp Brazil Sergio Moro, rằng Tổng thống Bolsonaro cố gắng can thiệp chính trị vào công việc của cảnh sát liên bang. Datafolha cho biết 48% người được hỏi phản đối việc xem xét bãi nhiệm Bolsonaro, trong khi 45% muốn ông bị xem xét bãi nhiệm.

Moro, cựu thẩm phán chống tham nhũng nổi tiếng tại Brazil, hôm 23/4 thông báo từ chức Bộ trưởng Tư pháp nước này. Lý do ông Moro đưa ra là Tổng thống Jair Bolsonaro sa thải Tư lệnh Cảnh sát Liên bang Mauricio Valeixo vì "lý do cá nhân và chính trị", cáo buộc Bolsonaro can thiệp chính trị vào lực lượng thực thi pháp luật.

Tổng thống Brazil hôm 17/4 đã sa thải Bộ trưởng Y tế, người ủng hộ các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó Covid-19 mà Bolsonaro cho rằng có thể hủy hoại nền kinh tế đất nước. Ông còn tham gia biểu tình cùng hàng trăm người bên ngoài tổng hành dinh quân đội ở Brasilia, phản đối lệnh ở nhà của các thống đốc bang.

Thăm dò cho thấy 45% người được hỏi cho rằng Bolsonaro xử lý đại dịch tệ hoặc "quá tệ", trong khi 27% đồng ý rằng ông đã làm tốt hoặc rất tốt.

Hạ viện Mỹ điều tra việc ông Trump cắt tài trợ WHO

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa xúc tiến điều tra việc Tổng thống Donald Trump đột ngột tuyên bố cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu.

Trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo, Hạ nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, dù WHO "không hoàn hảo" và bản thân ông cũng ủng hộ các cải cách, nhưng việc ngưng chu cấp tài chính cho tổ chức y tế lớn nhất hành tinh khi thế giới đang phải vật lộn chống thảm họa Covid-19 không phải là cách làm đúng đắn.

img
Tổng thống Mỹ Trump đổi lỗi cho WHO và Trung Quốc về những thất bại trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 toàn cầu. Ảnh: AP

Ông Engel yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải cung cấp 11 tập tài liệu hoặc các thông tin khác có liên quan đến quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump chậm nhất vào 17h chiều 4/5 (theo giờ địa phương). Quan chức này cảnh báo sẽ cân nhắc mọi biện pháp trong thẩm quyền nếu Bộ Ngoại giao từ chối thực hiện yêu cầu nói trên.

Theo Reuters, các tài liệu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện yêu cầu là một danh sách các cuộc họp liên ngành từ ngày 1/12/2019 - 14/4/2020 có thảo luận đến việc tài trợ cho WHO; danh sách các thẩm quyền pháp lý mà chính quyền ông Trump sẽ lấy làm căn cứ để cắt tài trợ và những tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của Nhà Trắng về WHO.

Ông Trump hôm 14/4 đã thông báo tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO, với lí do cơ quan này đã thất bại trong cách ứng phó với đại dịch cũng như "thiên vị" Trung Quốc. Động thái này vấp phải nhiều chỉ trích cả trong và ngoài nước Mỹ.

Trump xác nhận nắm thông tin về tình trạng sức khỏe ông Kim

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông Kim Jong-un vẫn còn sống, sau nhiều ngày đồn đoán về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo cũng như viễn cảnh cục diện tại Triều Tiên.

img
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Trước câu hỏi về thông tin mới liên quan đến sức khỏe ông Kim, Tổng thống Trump hôm 27/4 (giờ Mỹ) tự tin cho biết: “Vâng, tôi có nắm rõ (về tình trạng của nhà lãnh đạo Triều Tiên), nhưng tôi không thể công khai vào lúc này. Tôi chỉ mong ông ấy được khỏe”.

“Tôi hy vọng ông ấy ổn”, Tổng thống Trump tiếp tục và thêm rằng: “Tôi có biết ông ấy như thế nào”,

Chủ nhân Nhà Trắng còn cho rằng giới truyền thông “có lẽ sẽ nghe được thông tin về ông Kim trong tương lai không xa”.

Trước đó vài ngày, Tổng thống Trump bác thông tin sức khỏe ông Kim đang nguy kịch. “Tôi nghe nói họ sử dụng các tài liệu cũ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/4 (giờ Mỹ).

Daily NK, trang tin chuyên về Triều Tiên có trụ sở ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ngày 20/4 cũng dẫn một nguồn tin giấu tên ở Triều Tiên cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un trải qua ca phẫu thuật tim hôm 12/4. Bình Nhưỡng đến nay chưa bình luận về các thông tin trên.

Hàn Quốc: Ông Kim Jong-un vẫn khỏe

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “vẫn khỏe mạnh”, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói, bác bỏ những tin đồn về sức khỏe của Kim, sau khi ông vắng mặt trong một ngày kỷ niệm quan trọng.

"Quan điểm của chính phủ chúng tôi là rõ ràng”, cố vấn Moon Chung-in nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm chủ nhật. “Ông Kim Jong-un còn sống và khỏe mạnh”.

Ông cố vấn nói rằng chủ tịch Kim đã ở lại Wonsan - một thị trấn nghỉ mát ở phía đông Triều Tiên kể từ ngày 13/4. “Không có động thái đáng ngờ nào cho đến nay”.

Tại một diễn đàn kín hôm chủ nhật, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul, người giám sát các hoạt động của Hàn Quốc với Triều Tiên, cho biết chính phủ nước ông có khả năng tình báo để nói với sự tự tin rằng không có gì bất thường xảy ra.

Tuy nhiên, Yoon Sang-hyun, Chủ tịch Ủy ban Nước ngoài và Thống nhất tại Quốc hội Hàn Quốc, nói với một nhóm chuyên gia hôm qua rằng sự vắng mặt của ông Kim Jong cho thấy ông đã không làm việc như bình thường.

“Không có bất kỳ báo cáo nào cho thấy ông Kim đưa ra các quyết định chính sách như thường lệ kể từ ngày 11/4, điều này khiến chúng tôi cho rằng ông bị bệnh hoặc bị cô lập vì lo ngại về coronavirus”, ông Yoon nói, theo tường thuật của Bloomberg.

Phỏng đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tăng lên kể từ khi ông vắng mặt trong lễ kỷ niệm 15/4, sinh nhật của ông nội Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), người sáng lập Triều Tiên.

Ông Kim đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động vào ngày 11/4, và ngày hôm sau truyền thông nhà nước đưa tin ông thị sát hoạt động của máy bay chiến đấu tại một đơn vị không quân.

Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dẫn đến một loạt bản tin chưa được xác tín về tình trạng sức khỏe của ông. Cũng không có thông tin gì chắc chắn về việc liệu Triều Tiên đã và đang đối phó thế nào với dịch Covid-19 trong khi các nước láng giềng đều chịu thiệt hại nặng từ đợt dịch này

Tổng thống nước Tây Phi đặt mua siro ngải tây để chữa Covid-19

Ông Umaro Sissoco Embalo - Tổng thống Guinea-Bissau (một quốc gia Tây Phi) đã đặt hàng một lô siro ngải tây từ Madagascar với hy vọng loại thuốc này có thể giúp chống lại Covid-19.

img
Loại siro thảo dược được Tổng thống Madagascar quảng cáo là có thể hỗ trợ điều trị Covid-19. Ảnh: Twitter

Tổng thống Madagascar - Andry Rajoelina cho biết nước này đã nhận được đơn đặt hàng một lô siro ngải tây từ Tổng thống Guinea-Bissau.

“Cảm ơn Tổng thống Umaro Sissoco Embalo của Guinea-Bissau vì đã đặt mua siro ngải tây”, Tổng thống Rajoelina viết trên Twitterr. “Ông Embalo sẽ không chỉ phân phối siro ngải tây trong nước mà còn gửi đến các nước láng giềng của Tây Phi bằng máy bay”

Trước đó, ông Rajoelina đã giới thiệu một loại siro thảo dược, có tên Covid-Organics, được phát triển bởi Viện nghiên cứu ứng dụng Malagasy.

Loại siro này được bào chế từ cây ngải tây, có chứa artemisia, và được cho là có tác dụng chống lại bệnh sốt rét.

Tổng thống Rajoelina tin rằng siro ngải tây có thể cho thấy hiệu quả điều trị Covid-19 chỉ sau 7 ngày.

Tại Madagascar, siro được phân phát cho các trường học địa phương.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Fadela Chaib cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy cây ngải tây có thể chữa khỏi Covid-19.

Tình báo Anh ưu tiên phát triển AI

Các cơ quan Tình báo Anh trong tương lai sẽ cần đến trí thông minh nhân tạo (AI) nếu muốn đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng trong bối cảnh thế giới ngày nay.

img
Trụ sở Cơ quan tình báo GCHQ tại Cheltenham (Anh)

Đó là kết luận rút ra từ báo cáo do Viện Chính sách Rusi thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Tình báo GCHQ (Anh), BBC đưa tin ngày 27/4.

Các mối đe dọa trong tương lai bao gồm khả năng đối phương dùng AI để tạo dựng những đoạn clip giả của một nhân vật trên thực tế, thao túng tâm trí của số đông và làm thay đổi kết quả bầu cử.

Thậm chí, AI còn có thể biến đổi mã độc để chúng trở nên khó bị phát hiện hơn trong lúc thực hiện các vụ tấn công mạng, hoặc tiếm quyền kiểm soát thiết bị không người lái. Trong những trường hợp này, chỉ có thể dùng AI để đối phó AI.

Hiện cả ba cơ quan tình báo MI5, MI6 và GCHQ đều đang ưu tiên phát triển AI.

Anh cho người dân chất vấn bộ trưởng về dịch Covid-19

Chính phủ Anh cho biết sẽ cho phép người dân chất vấn các bộ trưởng, quan chức khoa học và y tế về dịch Covid-19, trong bối cảnh niềm tin của người dân đang giảm sút.

img
Hàng xóm ở một khu dân cư tại thủ đô London, Anh, giữ khoảng cách khi gửi đồ cho nhau ngày 27/4. Ảnh: Reuters

"Chính phủ sẽ trả lời một câu hỏi của một số người dân trong cuộc họp báo hằng ngày về Covid-19" - hãng tin Reuters ngày 27/4 dẫn thông báo của Chính phủ Anh cho biết.

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Boris Johnson cam kết cung cấp "sự minh bạch tối đa có thể" về những ý kiến của các bộ trưởng liên quan tới biện pháp nới lỏng lệnh phong tỏa.

Bất cứ ai trên 18 tuổi cũng có thể đặt câu hỏi trên trang web chính phủ https://www.gov.uk/ask. Câu hỏi sẽ được xem xét vào giữa ngày trong ngày họp báo. Chỉ một câu hỏi sẽ được lựa chọn mỗi ngày và nếu được chọn, người đặt câu hỏi sẽ được liên lạc vào 15h.

Người phát ngôn thủ tướng Anh cho biết Covid-19 là "cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất" mà công chúng Anh phải đối mặt nói chung, do đó việc cho người dân trực tiếp đặt câu hỏi cho chính phủ và các chuyên gia dịch bệnh về những biện pháp của chính quyền là "hoàn toàn đúng đắn".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.