Theo dự kiến chương trình làm việc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng 13/2 để thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt 8,3 tỷ USD, cơ chế đặc thù làm metro- Ảnh 1. Trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt 8,3 tỷ USD, cơ chế đặc thù làm metro- Ảnh 1.](https://baogiaothong.mediacdn.vn/603483875699699712/2025/2/12/screenshot-2025-02-12-at-212327-1739370216635957554851.png)
Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.
Quốc hội sẽ xem video clip về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.
Sau hai nội dung này, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, theo tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/2, dự án có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.
Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng.
Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).
Chính phủ kiến nghị nguồn vốn cho dự án gồm ngân sách Nhà nước (trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80km/h.
Về công nghệ, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho tàu khách và tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu tương đương với hệ thống đang sử dụng tại một số tuyến đường sắt vận chuyển chung hành khách và hàng hóa trong khu vực.
Về công trình ga, dự kiến bố trí 18 ga (bao gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp). Quá trình khai thác, khi nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu.
Về tiến độ, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030.
Còn về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, theo tờ trình được báo cáo tại phiên toàn thể mở rộng về nghị quyết này của Thường trực Ủy ban Kinh tế ngày 10/2, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho 2 thành phố hiện thực hóa các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết nêu 6 nhóm chính sách đặc thù gồm: Huy động nguồn vốn; Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.
Trong đó, đối với nhóm chính sách về huy động vốn quy định: Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc cân đối, bố trí kế hoạch hằng năm số vốn ngân sách Trung ương bổ sung tối đa 215.350 tỷ đồng cho TP Hà Nội và 209.500 tỷ đồng cho TP.HCM.
Đồng thời, cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án; HĐND thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn; UBND thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án.
Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu cho rằng, cần thiết áp dụng các chính sách đặc thù trong Nghị quyết của Quốc hội cho việc đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị, bởi đây là trục "xương sống" của hệ thống vận tải công cộng của 2 thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận