Xã hội

Từ mai, người dân ở TP.HCM đi lại thế nào? Dưới 18 tuổi có được ra đường?

30/09/2021, 11:18

TP.HCM vẫn duy trì 51 chốt kiểm soát liên tỉnh, vậy công nhân từ các tỉnh về thành phố làm việc thế nào?

Tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 TP.HCM sáng 30/9, ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND và lãnh đạo các sở ngành đã trả lời các câu hỏi mà nhiều người dân quan tâm.

Hiện nay thành phố mới chỉ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi, vậy người dưới 17 tuổi chưa được tiêm vaccine có được ra đường?

Ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Đối tượng các em dưới 17 tuổi chủ yếu là học sinh, hiện các em đang học online ở nhà. Vì vậy nếu không có việc thực sự cần thiết, các cháu không nên ra đường, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn.

img

TP.HCM sẽ tháo dỡ tất cả các chốt kiểm soát nội đô, nhưng vẫn duy trì 51 chốt kiểm soát liên tỉnh

Khi nào Thành phố sẽ tiêm vaccine cho trẻ em?

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế: Sau 30/9 sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp. Ngành y tế cũng đã có lộ trình giảm các bệnh viện dã chiến, tuỳ theo số lượng ca mắc Covid - 19 mới.

Đầu tiên là chuyển đổi lại chức năng của những bệnh viện đa khoa tại các quận huyện nhằm khám chữa bệnh cho người dân không mắc Covid - 19.

Vì sao Thành phố vẫn đặt các chốt kiểm soát tại các điểm giáp ranh với các tỉnh?

Ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Mỗi tỉnh thành có mức độ phủ vaccine và mức độ dịch khác nhau. Các chốt nhằm hạn chế người dân tự đi xe cá nhân từ địa phương này qua địa phương khác. Riêng những xe ưu tiên đã có luồng xanh lưu thông bình thường.

Vì vậy bà con không có việc cần thiết thì không đi ra các chốt để gây ùn tắc, khó khăn cho lưu thông hàng hoá. TP.HCM có bộ quy tắc 10 tiêu chí gửi cho 5 tỉnh thành để đưa đón công nhân, người dân các tỉnh về TP.HCM. Đồng thời cũng tổ chức đưa người dân từ TP.HCM về quê khi có nhu cầu cần thiết và ngược lại.

Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, và cũng tạo điều kiện đón đưa công nhân từ các tỉnh trở lại thành phố bằng xe chung, không đi xe cá nhân. Bởi nếu đi xe cá nhân sẽ rất vất vả tại các chốt chặn.

Người dân từ các tỉnh nếu đi khám bệnh cũng nên đi bằng xe bệnh viện, hoặc xe có tổ chức chứ không được đi xe cá nhân. Thành phố đang làm việc với các tỉnh để làm sao đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình lưu thông.

Thành phố sẽ tháo dỡ tất cả các chốt kiểm soát nội đô, vậy Công an thành phố sẽ kiểm tra mã QR của người dân như thế nào? Người dân cần khai báo trên những App nào?

Ông Nguyễn Sĩ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM: Theo Chỉ thị mới, sẽ tháo dỡ tất cả các chốt kiểm soát nội đô, không kiểm soát giấy đi đường mà sử dụng công nghệ để tạo thuận tiện cho người dân. Công an thành phố vẫn duy trì 51 chốt tại các điểm giáp ranh với các địa phương, phối hợp để kiểm soát phương tiện ra vào.

Việc kiểm soát vẫn phải thực hiện theo tinh thần mới, an toàn chống dịch. Công an thành phố sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất ngẫu nhiên trên đường 24/24. Người dân trước khi ra đường phải khai báo thông tin đi đường trên App VNEID và khai báo y tế trên App Y tế TP.HCM. Hầu hết người dân trong thời gian giãn cách đã sử dụng VNEID để khai báo đi đường nên rất thuận tiện trong việc khai báo di chuyển.

Người dân nếu không có App thì trình giấy đã tiêm chủng 1 mũi ít nhất sau 14 ngày. Làm sao để tạo điều kiện tốt nhất, không để ùn ứ trên đường. Tại các cơ quan, công sở…phải có mã QR để người tới giao dịch quét mã trước khi vào trụ sở. Công an sẽ kiểm tra lãnh đạo các đơn vị về việc kiểm tra mà QR này tại các đơn vị. Công an cũng lập các chốt lưu động để kiểm tra ngẫu nhiên, nếu cần thiết có thể kiểm tra test nhanh.

Theo chỉ thị mới này, người dân không được tự phát đi về các tỉnh , vì vậy mong muốn người dân chấp hành nghiêm.

Bởi nếu không sẽ gây ùn ứ tại các chốt, gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của toàn xã hội. Công an sẽ xử nghiêm những trường hợp cố ý thông chốt. Nếu trường hợp có thể lây lan dịch bệnh sẽ bị cách ly y tế.

Với những người đang kẹt tại các địa phương, đặc biệt là các em học sinh đang mắc kẹt tại quê, không về thành phố học tập, làm việc được, thành phố tổ chức đón các em về thế nào?

Ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Tất cả đều phải thực hiện theo hướng dẫn như Chỉ thị của UBND thành phố.

Những trường hợp này cần có giấy gửi cơ quan chức năng xin cấp giấy đi đường, thông qua các tổ chức đưa đón để về thành phố. Đồng thời với đó cũng phải đảm bảo các tiêu chí như tiêm đủ vaccine, F0 đã khỏi bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.