Bốc xếp hàng hóa từ phương tiện thủy lên một cảng biển ở Hải Phòng
Nguồn hàng trung chuyển đang có xu hướng chuyển sang các cảng ở Hồng Kông, phía Nam Trung Quốc và một số địa phương khác.
Nguồn thu nhỏ, ảnh hưởng mục tiêu chung
Lãnh đạo một doanh nghiệp cảng biển ở Hải Phòng chia sẻ, vài năm trước, khu vực Hải Phòng thu hút được nguồn hàng container đông lạnh xuất nhập khẩu khá dồi dào, được chuyển qua cảng bằng đường bộ, đường thủy về các địa phương phía Bắc.
Các doanh nghiệp vận tải thủy cho biết, khi phương tiện thủy hoạt động trong khu vực cửa khẩu cảng biển chỉ sử dụng luồng đường thủy, không sử dụng công trình, cơ sở hạ tầng đường bộ.
Tuyến luồng đường thủy do Trung ương đầu tư, còn cầu, bến trong cảng biển do doanh nghiệp đầu tư.
Phương tiện thủy lưu thông trên luồng phải đóng phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư 248/2016 của Bộ Tài chính, còn khi hoạt động tại cầu, bến cảng phải thanh toán phí theo biểu giá của cảng.
Do đó, mức độ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng cảng biển không đáng kể và việc thu phí đối với phương tiện thủy là không hợp lý.
Có thời điểm, khu vực cảng này thường xuyên có 500 - 700 container hàng lạnh chờ vận chuyển nên mỗi năm đóng góp doanh thu vài trăm tỷ đồng.
Tuy vậy, sau năm 2017, khi Hải Phòng bắt đầu thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng (phí hạ tầng cảng biển), nguồn hàng trung chuyển này không về Hải Phòng nữa mà được đưa sang chuyển tải ở các cảng ở Hồng Kông và phía Nam Trung Quốc.
“Nguồn hàng này sụt giảm có phần xuất phát từ việc thu phí hạ tầng cảng biển”, vị giám đốc này nhận định.
Cảng biển “đói hàng” container, doanh nghiệp vận tải đường thủy phía Bắc lại càng thêm khó khăn.
Với việc phải chịu chi phí hạ tầng cảng biển như đối với vận chuyển bằng phương tiện đường bộ, khả năng cạnh tranh với phương tiện vận tải đường bộ sẽ giảm xuống.
Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nguồn hàng vận chuyển bằng đường thủy kết nối cảng thủy và cảng biển ở khu vực Hải Phòng rất tiềm năng, song thị phần vận chuyển container bằng phương tiện thủy nội địa khu vực phía Bắc hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% tổng nguồn hàng, kể cả hàng rời.
Nguyên nhân do đơn giá vận chuyển bằng đường thủy đang xấp xỉ với đường bộ, chỉ phù hợp với lô hàng lớn và thời hạn lưu container dài ngày, nhưng tổng chi phí từ cảng về kho lại cao hơn, nhất là đối với container 40 feet. Việc phải nộp thêm phí hạ tầng cảng biển khiến vận tải thủy thêm chi phí, thêm khó khăn.
Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng cho biết, với số lượng container thông qua cảng biển Hải Phòng được trung chuyển bằng đường thủy như hiện nay, nguồn thu từ phí phương tiện thủy là rất nhỏ so với tổng nguồn thu, nhưng lại ảnh hưởng lớn và giảm mục tiêu chiến lược GTVT về đưa hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy để giảm ô nhiễm môi trường, giảm TNGT.
“Tổng lượng hàng container qua cảng Hải Phòng năm 2019 là hơn 4,9 triệu tấn và trong năm 2020 khoảng hơn 414 nghìn tấn/tháng, chiếm khoảng 1% tổng lượng hàng.
Năm 2018, Hải Phòng thu được hơn 1.562 tỷ đồng phí hạ tầng, do đó, phí thu được từ phương tiện thủy là rất nhỏ so với tổng số thu”, Hiệp hội này phân tích và kiến nghị miễn hoặc giảm khoảng 2/3 phí hạ tầng cho phương tiện thủy.
Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, việc địa phương thu thêm phí đối với phương tiện thủy có thể trở thành xu hướng do TP HCM cũng đã thông qua cơ chế từ ngày 1/7/2021 thu phí hạ tầng cảng biển tại địa phương.
“Hạ tầng có đầu tư thì mới thu phí, nhưng đường thủy hoạt động chủ yếu dựa vào thiên nhiên ưu đãi. Khi sà lan vào làm hàng ở cảng biển đã phải nộp phí cảng, phí bốc xếp, nay chờ làm hàng ở cảng nộp phí, sang mạn trực tiếp tàu biển cũng bị thu. Nếu vậy, tỉnh nào có sông Tiền, sông Hậu cũng có thể thu hết”, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN bày tỏ.
Đi ngược chính sách ưu đãi?
Sà lan chở container làm hàng tại một cảng biển Hải Phòng
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/2020 về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng “tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa” đối với vận tải thủy nội địa. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy.
“Việc tăng chi phí gây ảnh hưởng đến hoạt động của vận tải thủy. Sau khi Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển, hàng rời, hàng container từ cảng biển khu vực Hải Phòng có dịch chuyển sang Quảng Ninh.
Tới đây, cũng đặt ra câu hỏi, TP HCM cũng thu phí hạ tầng cảng biển thì hàng hóa có chuyển sang Vũng Tàu không? Việc địa phương thu phí hạ tầng là đúng quy định pháp luật, nhưng có tốt cho doanh nghiệp, cho vận tải thủy hay không lại là câu hỏi lớn”, ông Thu nêu vấn đề.
Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải cho rằng, việc các địa phương thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy là vô lý.
“Mục tiêu thu phí hạ tầng là để tái tạo mạng lưới đường bộ. Trong khi đó, hàng hóa đi bằng đường thủy sau khi dỡ tại cảng, trả phí xếp dỡ cho doanh nghiệp cảng sẽ được đưa xuống sà lan kéo đi. Nói cách khác, hàng hóa vận chuyển trên tuyến vận tải thủy không sử dụng đến đường bộ.
Việc thu phí đường thủy như đường bộ là không cần thiết, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế phát triển vận tải đường thủy”, ông Long nói.
Năm 2018, TP Hải Phòng thu được 1.562 tỷ đồng từ phí hạ tầng cảng biển. Đến năm 2019, con số này là 1.299 tỷ đồng và năm 2020 dự kiến sẽ là 1.100 tỷ đồng.
Là địa phương đầu tiên triển khai việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo quy định tại Luật Phí và lệ phí nên những tháng đầu triển khai, một số doanh nghiệp chưa hiểu rõ mục đích thu phí nên đã có những phản ứng.
TP HCM cũng vừa xây dựng đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển. Mục tiêu đề án là tạo ra nguồn thu hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc, tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp.
Khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm TP HCM sẽ có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng cảng biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận