Đường bộ

Vì sao cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa được đưa vào khai thác dịp 30/4?

25/04/2023, 07:00

Vướng mắc mặt bằng thi công các cầu vượt ngang khiến dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa thể khai thác, phục vụ người dân dịp 30/4.

Vật liệu thông, mặt bằng lại tắc

Theo kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ là một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đưa vào khai thác, phục vụ người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4.

Tuy nhiên, tại báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đề xuất đưa vào khai thác hai dự án đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây.

Tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự kiến sẽ khánh thành cùng với dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm vào ngày 19/5/2023.

img

Thời điểm hiện tại, tuyến chính dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA 7) khẳng định, thời điểm hiện tại, các hạng mục trên tuyến chính dự án đã cơ bản được hoàn thiện.

Trong chuyến kiểm tra dự án vừa qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã mời Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Thuận, Phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận đi thực địa.

Tại đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã đề nghị các cấp thẩm quyền địa phương đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt giá đất, làm cơ sở lập phương án chi trả đền bù GPMB cho các hộ dân, sớm giải quyết vướng mắc mặt bằng hiện tại.

Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp vận động người dân trong thời gian chờ phê duyệt phương án đền bù cụ thể, ủng hộ dự án tiếp tục triển khai thi công.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT)

Tuy nhiên, điều kiện để đưa dự án vào khai thác là phải đóng tuyến chính, đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

“Muốn làm được vậy, tất cả các đường vượt ngang phải được hoàn thành để phục vụ người dân hai bên đường lưu thông. Song, tính đến nay, toàn tuyến vẫn còn 4 cầu vượt đường ngang, 2 cầu vượt nút giao chưa thể hoàn thành.

Trong đó, cầu vượt nút giao Đại Ninh (cao tốc giao với QL28B) tại gói thầu XL3 và cầu vượt tại Km212 huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thuộc gói thầu XL4 còn vướng mặt bằng.

Những vị trí này thuộc vào các phạm vi địa phương đề nghị bổ sung đường gom nhưng tỉnh lại chưa có giá đất cụ thể.

21 hộ dân (18 hộ tại khu vực cầu vượt Km212, 3 hộ tại khu vực cầu vượt nút giao Đại Ninh vẫn đang chờ phương án đền bù, chưa di dời. Tổng chiều dài khoảng 200m)”, ông Huy thông tin.

Đối với 4 cầu vượt ngang còn lại (1 cầu tại gói thầu XL2 và 3 cầu thuộc gói thầu XL4), do nguồn đất đắp cấp theo cơ chế đặc thù mới được địa phương gia hạn từ đầu tháng 4/2023 sau khi có Nghị quyết của Chính phủ nên công tác đắp chưa hoàn thành.

“Theo tính toán, khối lượng đất đắp phải thi công còn lại khoảng 150.000m3. Dự kiến, phần việc này sẽ được hoàn thiện trong 10 ngày tới”, ông Huy nói và cho biết, riêng hai cầu vượt tại nút giao Đại Ninh và Km212, Ban QLDA 7 đang tích cực phối hợp với địa phương vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện.

Là nhà thầu còn nhiều công trình cầu vượt ngang chưa thể hoàn thiện, ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành gói thầu XL4 thuộc Tổng công ty Vinaconex, trong 3 cầu vượt ngang thuộc phạm vi thi công của đơn vị, cầu vượt Km212, mố A1 bị vướng mặt bằng, nhà dân chưa nhận tiền đền bù. Nhà thầu đã báo cáo chủ đầu tư và địa phương đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Tại công trình này, khối lượng công việc (đắp đất, đắp vật liệu dạng hạt) còn khoảng 18.000m3. Sau 20 ngày tính từ lúc nhận được mặt bằng, nhà thầu sẽ hoàn thành khối lượng công việc dở dang.

“Các cầu vượt ngang tại Km206, Km210 còn tổng khối lượng đắp khoảng 18.000m3. Đến thời điểm 19/5 sẽ cơ bản hoàn thành lớp base, đảm bảo cho người dân dọc tuyến lưu thông, phục vụ đưa tuyến chính vào khai thác”, ông Ý thông tin.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Công Ý cho biết, trước thời điểm các mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù của Chính phủ được gia hạn, nhu cầu đất đắp của toàn bộ gói XL4 khoảng 430.000m3.

Trong khoảng thời gian chờ cơ quan chức năng gia hạn thời gian khai thác mỏ đất, nhà thầu phải tìm mua nguồn đất ở các mỏ rất xa (cách công trường khoảng 30km) với khối lượng đưa về công trường chỉ đạt 1.000 - 2.000m3/ngày.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm nút thắt vật liệu được tháo gỡ, nhà thầu đã huy động lực lượng công nhân, máy móc thiết bị gấp 4 lần so với kế hoạch đấu thầu, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để đạt khối lượng đắp nền đường gom, cầu vượt ngang lên đến 7.000 - 8.000m3/ngày.

“Tính đến nay, tổng khối lượng thi công còn lại của 3 cầu vượt ngang do Vinaconex thi công khoảng 140.000 m3. Nhà thầu sẽ tiếp tục tổng lực thi công theo tinh thần bám đuổi tiến độ nhưng không lơ là chất lượng”, ông Ý khẳng định.

img

Một số cầu vượt ngang trên tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa thể hoàn thành do vướng mắc về mặt bằng - Ảnh: Tạ Hải

Vượt khó đưa dự án thoát “lụt” tiến độ

Cần phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết gặp khó về mặt bằng và vật liệu.

Nhớ lại thời gian đầu triển khai dự án, ông Phạm Quốc Huy cho biết, khi ấy, chỉ có 5 mỏ vật liệu đất đắp đủ điều kiện cung cấp cho dự án trữ lượng khoảng 1/7,5 triệu m3 (14% nhu cầu).

Đến tháng 12/2021, sau khoảng 3 tháng từ thời điểm khởi công, tổng trữ lượng các mỏ có thể cung cấp cho dự án chỉ đạt 3,77/7,5 triệu m3 (đáp ứng 50% nhu cầu).

Nhu cầu vật liệu đất đắp không đáp ứng kịp kế hoạch thi công dẫn đến khối lượng thực hiện đến hết năm 2021 rất thấp, chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng.

Tháo gỡ khó khăn về vật liệu, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT và các Bộ, ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 và 133 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo dự kiến ban đầu, các mỏ đặc thù sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 2/2022, nhưng phải đến tháng 7/2022, thủ tục cấp phép mới cơ bản hoàn thành, các mỏ mới đáp ứng điều kiện khai thác.

Khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại tới. Do ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu, những tháng đầu năm 2022, giá cả các nhiên, nguyên vật liệu tăng đột biến. Đất đắp tăng 30 - 40%, cát tăng 25%, đá tăng 25 - 30%, xi măng tăng 20 - 25%, thép tăng 30 - 40%, có thời điểm tăng 80%, dầu diezel tăng 30 - 50% có thời điểm tăng 80-90% làm tăng giá gói thầu từ 12-18%. Trong khi đó việc bù giá theo chỉ số giá địa phương công bố được từ 8-12%.

“Khoảng thời gian ấy, các nhà thầu gần như bị vắt kiệt nguồn lực tài chính. Có những ngày đi 5 - 7km không thấy bóng dáng kỹ sư, công nhân tại hiện trường”, ông Huy kể và cho biết, may thay, cơ chế kiểm soát hiệu quả đã được Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra kịp thời.

Vào lúc công trường ảm đạm nhất, phong trào thi đua 120 ngày, đêm được phát động, các nhà thầu đồng loạt ký cam kết thời gian đưa dự án về đích với Bộ GTVT.

“Sau lễ phát động, lượng nhân lực, thiết bị tăng lên gấp đôi, gấp ba. Các nhà thầu huy động nguồn lực bám công trường 3 ca, 4 kíp đến quá nửa đêm. Ban điều hành dự án cũng không kể ngày, đêm, thực hiện công tác nghiệm thu thanh toán trong thời gian sớm nhất để nhà thầu nhanh chóng có dòng tiền xoay vòng, huy động vật tư, vật liệu.

Sản lượng thi công của dự án cải thiện rõ rệt, từ khoảng 50% giá trị hợp đồng (9/2022) vượt lên trên 70% giá trị hợp đồng (12/2022)”, ông Huy nói.

Khó khăn đeo bám dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến tận những ngày cuối cùng khi các mỏ vật liệu đất đắp hết hạn cấp phép theo cơ chế đặc thù.

Cho đến tháng 2/2022, khối lượng đất đắp cần huy động thi công đường gom và các hạng mục còn lại trên tuyến chính của dự án còn tới 1.000.000m3.

Trong thời gian chờ cấp phép gia hạn, các nhà thầu đã phải lên kế hoạch huy động khoảng 200.000 - 250.000m3 đất đắp từ các mỏ thương mại, ưu tiên thi công trước các đường cầu vượt ngang để thông tuyến chính.

Hai tháng sau đó, Nghị quyết 47 của Chính phủ được ban hành, nguồn đất đắp để dự án tăng tốc các hạng mục còn lại mới được khơi thông.

“Đó là chưa kể thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công tác vận chuyển vật liệu khó khăn, ảnh hưởng lớn đến quá trình bứt tốc sản lượng. Là sự bất thường của thời tiết khu vực. Tất cả khiến dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tưởng chừng sẽ bị lụt tiến độ, song với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đến nay, dự án đã đạt trên 90% sản lượng.

Ngay khi các khó khăn hiện tại được tháo gỡ, Ban điều hành dự án sẽ tiếp tục chỉ đạo nhà thầu tổng lực thi công, quyết không lỡ hẹn về đích thêm một lần nữa”, lãnh đạo Ban điều hành dự án chia sẻ.

Ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT, PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, một công trình chỉ đưa vào khai thác vận hành khi đảm bảo được yếu tố về kỹ thuật.

Đặc biệt với tuyến dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam không thể vì tiến độ mà bỏ qua yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình cao tốc.

Trách nhiệm trong đảm bảo thời gian thi công các hạng mục cũng cần phải được phân định rõ, không chỉ quy trách nhiệm cho một bên. Vướng mắc ở đâu phải có cam kết thời gian xử lý ở đó, kể cả những vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương.

"Về phía nhà thầu, trong thời gian chờ giải quyết các vướng mắc, Ban QLDA cần siết chặt việc kiểm soát nguồn lực huy động tại công trường, tránh trường hợp các nhà thầu rút bớt máy móc, nhân lực sang dự án khác, ảnh hưởng đến tiến độ bứt tốc về đích của dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết", ông Chủng nêu ý kiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.