Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát tổng thể các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, đặc biệt là các tuyến hai làn xe, xây dựng kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên để nâng cấp, mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực.
Phân kỳ đầu tư phù hợp nguồn lực và nhu cầu
Sau vụ tai nạn liên hoàn làm 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều ý kiến bày tỏ thắc mắc vì sao Việt Nam phải làm cao tốc chỉ 2 làn xe, không đảm bảo các điều kiện an toàn lưu thông. Quan điểm của ông thế nào?
Đường bộ cao tốc là công trình có cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, an toàn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, thuận lợi kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển và sân bay.
Kinh nghiệm phát triển đường bộ cao tốc trên thế giới, giai đoạn kinh tế đang phát triển, nguồn lực đầu tư hạn chế, một số quốc gia đã xây dựng và khai thác các tuyến cao tốc giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, châu Âu. Khi kinh tế phát triển mới nâng cấp lên 4 làn xe.
Để đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đối với các dự án mới, Bộ GTVT sẽ thực hiện, phối hợp với các địa phương được giao là cơ quan chủ quản nghiên cứu việc xây dựng tuân thủ theo quy chuẩn đường cao tốc (đang được dự thảo).
Trong đó, ưu tiên việc đầu tư theo quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh như đang triển khai với tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành; mở rộng mặt cắt ngang bảo đảm việc khai thác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Trường hợp phân kỳ đầu tư, cần phải nghiên cứu, so sánh kỹ lưỡng các phương án đầu tư (giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch, đầu tư đủ bề rộng nền đường, phân kỳ mặt đường, phần dự trữ ở giữa...), kết hợp phương án án tổ chức giao thông hợp lý bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác đường bộ cao tốc.
Ông Lê Kim Thành
Bên cạnh đó, để tăng năng lực thông hành, giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí, trong 10 năm gần đây một số nước như Ireland, Thụy Điển, Anh đã cắt giảm dải dừng xe khẩn cấp liên tục.
Đầu tư các tuyến cao tốc có quy mô hoàn chỉnh, chi phí đầu tư lớn. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc phân kỳ đầu tư sẽ phù hợp nhu cầu trước mắt, khả năng cân đối vốn và sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cấp thiết của các địa phương. Vì vậy, việc phân kỳ đầu tư là cần thiết.
Ông có thể nói rõ hơn lợi ích của việc phân kỳ đầu tư?
Nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi ngân sách hạn chế, huy động ngoài ngân sách khó khăn, việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án nên phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo từng giai đoạn, đặc biệt đối với các dự án triển khai theo phương thức PPP cần giảm chi phí đầu tư, tăng tính khả thi về phương án tài chính.
Việc đầu tư phân kỳ có xét đến quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của giai đoạn hoàn chỉnh sẽ tạo thuận lợi cho việc thi công mở rộng, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, việc phân kỳ đầu tư giúp sớm hình thành hệ thống đường bộ cao tốc đáp ứng mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đáp ứng nhu cầu của các địa phương, kết nối các vùng miền.
Các giai đoạn tiếp theo, tùy thuộc vào điều kiện nguồn lực sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.
Trong tổng số các tuyến cao tốc đã khai thác, có bao nhiêu tuyến hai làn xe, thưa ông?
Đến nay, đã đưa vào khai thác 12 tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư với tổng chiều dài 743km, chiếm 40% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác.
Trong đó, 5 tuyến cao tốc 2 làn xe, chiều dài 371km gồm: Cam Lộ - La Sơn dài 98km, La Sơn - Hòa Liên dài 66km, Yên Bái - Lào Cai dài 141km, Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km, Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40km.
Bên cạnh đó, 7 tuyến cao tốc 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, chiều dài 372km gồm: Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km, Mai Sơn - QL45 dài 63km, QL45 - Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, Nha Trang - Cam Lâm dài 49km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km, Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km.
Quy mô phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn trước mắt khi lưu lượng giao thông chưa lớn (lưu lượng khoảng 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm), đặc biệt hiệu quả với các cao tốc kết nối với các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn, thời gian khai thác phân kỳ từ 6 - 10 năm.
Khi nào mở rộng cao tốc 2 làn xe?
Vậy kế hoạch, lộ trình nâng cấp, mở rộng các tuyến này như thế nào, thưa ông?
Theo quy hoạch, hệ thống đường cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài 9.014km.
Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km; đang xây dựng 1.806km; đang chuẩn bị đầu tư 1.017km để khởi công trước 2025; giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến đầu tư khoảng 373km.
Trong đó, có 737km cao tốc đầu tư phân kỳ theo quy mô hai làn xe gồm: 313km đã đưa vào khai thác (Hòa Lạc - Hòa Bình, Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Yên Bái, Thái Nguyên - Chợ Mới, La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn; 258km đang xây dựng gồm Hà Giang - Tuyên Quang; Chơn Thành - Đức Hòa; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; 166km đang chuẩn bị đầu tư gồm đoạn cao tốc nối TP Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai 81km, đoạn Hòa Bình - Mộc Châu 85km.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát tổng thể các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, đặc biệt là các tuyến cao tốc phân kỳ với quy mô hai làn xe, đánh giá những tồn tại, hạn chế; xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp để nâng cấp bảo đảm quy mô bốn làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất thứ tự ưu tiên để đầu tư
Để thực hiện, việc huy động nguồn lực được tính toán ra sao, thưa ông?
Bộ GTVT đã xây dựng, đề xuất các giải pháp đồng bộ như một số chính sách đặc thù để hỗ trợ về huy động nguồn lực phát triển đường cao tốc đã đưa trong dự thảo Luật Đường bộ.
Trong đó, cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng đường cao tốc hiện hữu theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), hoặc nâng cấp các tuyến đường cao tốc hiện hữu đang khai thác theo phương thức PPP.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bổ sung nguồn vốn điều chỉnh chủ trương đầu tư nâng quy mô cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2023.
Bộ GTVT đã rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng tuyến La Sơn - Hòa Liên (66km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (15km) bằng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (51km) theo hình thức PPP.
UBND tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình (26km) từ hai làn xe lên bốn làn xe theo hình thức PPP.
Bộ GTVT cũng đã bàn giao đoạn tuyến cho địa phương, hiện nay tỉnh đã chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện các bước điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) đang nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai (141km) thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ hai làn xe lên bốn làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các đoạn tuyến còn lại gồm: Cam Lộ - La Sơn, Thái Nguyên - Chợ Mới, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN theo dõi lưu lượng giao thông, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để nâng cao tốc độ khai thác, đảm bảo an toàn.
Bộ GTVT đang rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực (nguồn dự phòng trung hạn, nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương hàng năm hoặc trong kỳ trung hạn tiếp theo).
Cảm ơn ông!
Sớm đầu tư nâng cấp cao tốc 2 làn xe
Ngày 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 16 yêu cầu đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Công điện nêu rõ, nhu cầu vốn cho đầu tư hệ thống đường cao tốc rất lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, Bộ GTVT và các địa phương nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số tuyến cao tốc theo quy mô phân kỳ. Việc sớm đưa vào khai thác các tuyến cao tốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc vận hành các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ còn một số hạn chế.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải. Trong đó, tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô hai làn xe.
Rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Ngày 20/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra ngày 18/2.
Từ thực tế khai thác các tuyến cao tốc đầu tư hai làn xe và vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan lắng nghe, tiếp thu các phản ánh, ngay lập tức rà soát, báo cáo Bộ phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu nhất với điều kiện hạ tầng hiện có.
Bộ trưởng yêu cầu trước mắt cần xác định ngay các công việc phải làm, đảm bảo vừa khai thác tốt vừa hạn chế tai nạn cho đến lúc tuyến đường được mở rộng theo quy hoạch. Trong đó, tổ chức giao thông tuyến đường khoa học, đảm bảo an toàn là vấn đề quan trọng.
Bộ trưởng giao Cục Đường bộ VN chủ trì cùng với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường; khắc phục ngay những bất cập để đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Cục Đường cao tốc rà soát lại những vấn đề hạ tầng kỹ thuật liên quan, đơn cử việc đề nghị các đơn vị viễn thông phủ sóng di động dọc tuyến.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị triển khai nhanh nhất có thể công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận