Sáng 21/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội cho biết đã họp với tư vấn thiết kế, nhà thầu, tư vấn giám sát để bàn phương án xử lý kỹ thuật sau sự cố. Theo đó, các bên đề xuất phương án nâng tĩnh không cầu lên để đạt tĩnh không 4,75m đúng như tiêu chuẩn thay vì hạ thấp nền đường.
Theo ông Nam, sẽ tiến hành khoan cấy cốt thép vào xà mũ của trụ, sau đó đổ bê tông thêm vào trên để nâng cao đá kê gối, sau đó mới gác dầm được. Đây là giải pháp kỹ thuật thông thường trong kỹ thuật xây dựng cầu.
Lý giải vì sao không hạ độ cao nền đường, ông Nam cho biết việc hạ cao độ nền đường có nhiều khó khăn. Trước hết là sẽ tạo nên đường cong lõm trên tuyến, sẽ không có thẩm mỹ. Đây là tuyến đường do Ban quản lý Các dự án công trình giao thông quản lý, giờ triển khai phải làm lại thủ tục hồ sơ rất mất thời gian. Quá trình thi công phải tổ chức phân làn, có thể gây ùn tắc bởi đây là tuyến đường đang khai thác, có lượng xe lưu thông rất đông. Thậm chí chi phí hạ nền đường có khi còn tốn kém hơn so với nâng cao tĩnh không cầu bởi phải nạo nền đường, làm lại kết cấu.
Ông Nam cho biết, hiện đang giao cho tư vấn thiết kế khảo sát, đo đạc lại để đề xuất giải pháp, sau đó trình Sở GTVT thẩm định và quyết định phương án.
Trước đó, vào khoảng 4h sáng 13/11, xe container lưu thông hướng từ Biên Hòa vào TP HCM đã va vào dầm cầu vượt bộ hành băng qua Xa lộ Hà Nội khiến một thanh dầm rơi xuống đè bẹp thùng container. Thanh dầm này đã được đơn vị thi công gác hoàn thành vào lúc 1h sáng cùng ngày, các xe sau đó chạy qua bên dưới bình thường.
Sau khi rà soát lại hồ sơ, các đơn vị đã chỉ ra nguyên nhân là do quá trình dịch chuyển vị trí cầu bộ hành số 1 cách vị trí ban đầu 13,9m nhưng không cập nhật lại các thông số về độ dốc dọc, dốc ngang, khiến tĩnh không trong thiết kế thấp hơn tiêu chuẩn đến 3,1cm. Chiếc xe container cũng được đo có chiều cao lên đến 4,56m. Vì vậy, khi xe lưu thông qua đã va chạm với dầm cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận