Kết quả đó có được là nhờ nỗ lực vượt khó của Bộ GTVT, các địa phương và chủ đầu tư, nhà thầu nhằm thực hiện đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Nhận diện khó khăn, đồng hành tháo gỡ
Hai ngày sau lễ khánh thành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, anh Phạm Văn Đua, cán bộ ban điều hành dự án (thuộc Ban Quản lý dự án 6) vẫn không giấu được niềm vui khi công trình huyết mạch nối về miền Trung đã cơ bản hoàn thành sau hai năm thi công.
"Đó là một sản phẩm của sự quyết tâm, chủ động, của cách làm mới. Dự án đã về đích chỉ trong khoảng 25 tháng thay vì có thể kéo dài đến 36 tháng", anh Đua chia sẻ.
Theo anh Đua, xác định nền đất yếu là hạng mục quan trọng quyết định đến thành bại của dự án, ngay khi được khơi thông mỏ đất (tháng 4/2022), nhà thầu đã được chỉ đạo ưu tiên xử lý các vị trí nền đất yếu.
Đến tháng 1/2023, khu vực nền đất yếu cuối cùng hoàn thành đắp gia tải. Sau đó 6 tháng, công tác dỡ tải được làm đồng loạt. Nếu không dồn lực ngày đêm ngay giai đoạn đầu, thời gian chờ dỡ tải có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9/2023. Tiến độ dự án khó lòng đảm bảo.
Nhờ chủ động tính toán giải pháp kỹ thuật, một số đoạn tuyến chỉ sau khoảng 4-5 tháng đã được dỡ tải. Nếu theo trình tự thông thường, khoảng thời gian có thể mất tới 12 tháng.
Anh Đua không quên nhắc về sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, sự đồng hành của ban quản lý dự án với nhà thầu.
Thời gian đầu, nguồn đất chưa có ngay. Ban điều hành dự án phải cắt cử cán bộ cùng doanh nghiệp khai thác mỏ, nhà thầu "gõ cửa" đề nghị địa phương hỗ trợ tối đa các thủ tục. Chỉ khoảng 9 tháng kể từ thời điểm khởi công (8/2021-4/2022), công trường có đất đắp tuyến chính.
Hay tại cầu vượt Diễn Đoài, cho đến cuối tháng 6/2023, mặt bằng thi công dự án vẫn còn bị cản trở. Nếu không thông được cầu thì cao tốc không thể khép kín để đảm bảo điều kiện khai thác.
Cho đến ngày 7/7/2023, sau nhiều chuyến công tác, làm việc của lãnh đạo Bộ GTVT và văn bản đề nghị địa phương hỗ trợ được Bộ phát đi, mặt bằng thi công hạng mục mới được bảo vệ triển khai.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, nhà thầu đã tổng lực thi công 24/7, giúp dự án cán đích đúng hẹn vào ngày 1/9.
"Với thời gian thi công thông thường phải mất 5-6 tháng, lúc ấy, người tự tin nhất cũng không tin công trình đạt được kỳ tích như vậy", anh Đua nói.
Cùng thời điểm thông xe và khánh thành với dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn cũng đã vượt qua những điều tưởng chừng không thể.
Trong chuyến kiểm tra dự án vào tháng 8/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trực tiếp vào hiện trường, trao đổi lãnh đạo địa phương để giải quyết nút thắt mặt bằng. Cũng kể từ đó, đại công trường dự án QL45 - Nghi Sơn mang một khí thế mới.
Hai tháng qua, công trường dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng mang một khí thế mới với những chuyến kiểm tra trong đêm, đôn đốc, động viên nhà thầu tăng tốc của lãnh đạo Bộ GTVT.
"Kể từ khi phát động phong trào 120 ngày đêm đưa dự án về đích, tần suất kiểm tra của lãnh đạo Bộ, trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dường như thường xuyên hơn, có khi là 3 lần/tháng. Sự quyết liệt đó đã truyền động lực, thôi thúc các nhà thầu phải dồn lực đưa dự án về đích trong tháng 12/2023", một lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Thành Huy chia sẻ.
Cuối năm sẽ thêm hơn 60km cao tốc đưa vào khai thác
Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, với việc đưa hai dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu vào khai thác, tổng số chiều dài đường cao tốc được khánh thành từ đầu năm 2023 đến nay đã đạt 569km. Tổng chiều dài đường cao tốc ở Việt Nam đến nay lên 1.822km.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thêm cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km.
UBND tỉnh Tuyên Quang cũng sẽ hoàn thành đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40km. Như vậy đến cuối năm 2023, cả nước sẽ có 1.892km đường bộ cao tốc.
Để có được kết quả trên, quá trình triển khai các dự án, Bộ GTVT đã tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giao các ban quản lý dự án là chủ đầu tư để nâng cao tính chủ động, kịp thời xử lý các phát sinh, rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục.
Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cán bộ, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là các ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên tết.
Tiếp tục đột phá với cơ chế đặc thù
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xâu dựng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cụ thể hóa mục tiêu hoàn thành đến năm 2025 khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã đúc rút từ thực tế, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù triển khai cao tốc như: Cho phép chỉ định thầu, giao mỏ cho nhà thầu trực tiếp khai thác mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép.
Chính phủ cũng cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù như: Cho phép triển khai đồng thời các công việc của bước lập dự án, thiết kế kỹ thuật, triển khai đồng thời các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhờ đó tiến độ các dự án đã được tăng lên rõ rệt.
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, hiện các bộ, địa phương đang đánh giá, tổng kết việc áp dụng cơ chế đặc thù để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép áp dụng ở các dự án triển khai trong thời gian tới.
Trong đó, công tác GPMB là yếu tố quyết định thành công của các dự án nên cần phải đi trước một bước. Cần có cơ chế cho phép triển khai đồng thời các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để địa phương có thể chủ động triển khai trước các công việc.
Với nguồn vật liệu xây dựng, trình tự, thủ tục để mở mỏ mới theo quy định mất khoảng hơn 1 năm. Nếu không có các cơ chế đặc thù sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cao tốc khoảng 1 năm.
Thực tế đó đòi hỏi cần áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù cho các dự án như đã được áp dụng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, các đường cao tốc trục ngang và đường vành đai để các dự án trọng điểm tới đây có thể đạt được tiến độ theo đúng phương án được phê duyệt.
TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII:
Chủ động nguồn lực để đạt mục tiêu 3.000km cao tốc
Nỗ lực tăng chiều dài đường bộ cao tốc thời gian qua là rất đáng khích lệ, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành GTVT nói riêng. Có cao tốc, thời gian giao thương sẽ được rút ngắn, hiệu quả kinh tế tạo ra là không thể đong đếm.
Với tốc độ phát triển đường cao tốc hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng năm 2025, mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc sẽ thành hiện thực.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN:
Hiệu quả khi bố trí kịp thời vốn đầu tư công
Thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, ngành GTVT đã tạo ra những cung đường cao tốc mới là những sản phẩm có thể cân, đong, đo đếm được.
Nhiệm kỳ này, mục tiêu số 1 đang được ưu tiên cho hạ tầng giao thông, ngoài câu chuyện bố trí nguồn lực còn là sự quan tâm, sát sao công trường của Thủ tướng, các Phó thủ tướng, sự có mặt thường xuyên trên các đại công trường của lãnh đạo Bộ GTVT. Đây là động lực để tạo đột phá.
Một điểm đáng chú ý là thời gian qua, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các địa phương tìm lời giải phù hợp cho các vấn đề nan giải dự án giao thông thường gặp, từ cách GPMB sao cho hiệu quả, các thủ tục cần thiết để khơi thông mỏ vật liệu thi công.
Mấu chốt quan trọng nữa là tài chính. Trong bối cảnh Luật Đối tác công - tư (Luật PPP) đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện, Nhà nước đã kịp thời tung vốn đầu tư công kích hoạt các dự án giao thông quan trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận