Đường sắt

Xử nghiêm nhà thầu thi công dự án 7.000 tỷ để máy xúc va chạm tàu khách

03/11/2022, 18:01

Ban QLDA 85 yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà thầu thi công dự án 7.000 tỷ để xảy ra sự cố mất an toàn chạy tàu.

Bất cẩn trong thi công, va chạm với tàu khách

Ban Quản lý dự án 85 vừa báo cáo Bộ GTVT việc xử lý trách nhiệm nhà thầu thi công dự án 7.000 tỷ để xảy ra sự cố mất an toàn chạy tàu.

Cụ thể, vào lúc 16h20 ngày 8/10/2022, tại điểm thi công Km1201+500 khu gian Đông Tác - Tuy Hòa (thuộc gói thầu số 8 thuộc Dự án 7000 tỷ do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư), nhà thầu thi công là Công ty CP Xây dựng và thương mại Mai Dương đã để máy xúc va quệt tàu SE8, gây hư hỏng đầu máy.

img

Chủ đầu tư xử lý nghiêm trách nhiệm thi công để xảy ra nguy cơ mất ATGT đường sắt. Ảnh: Thi công Dự án đường sắt 7.000 tỷ

Vụ việc đã khiến tàu SE8 phải dừng 40 phút để giải quyết. 3 tàu khách khác cũng bị chậm dây chuyền do phải dừng chờ đường tại các ga. Theo Tổng công ty Đường sắt VN, vụ va quệt không chỉ gây mất ATGT đường sắt, ảnh hưởng thiệt hại đến hoạt động vận tải, mà còn gây bức xúc đến hành khách do tàu bị chậm giờ.

Đại diện Liên danh tư vấn TRICC - TECCNO4, đơn vị tư vấn giám sát cho biết, hạng mục công trình hành lang an toàn, đoạn 7 (Km1201+400 - Km1201+888) bao gồm: Xây dựng đường gom bên hai đường sắt trên cơ sở nâng cấp, cải tạo đường mòn hiện tại và xây dựng mới hàng rào cách ly giữa đường sắt và đường gom bằng bê tông cốt thép.

Đến thời điểm xảy ra sự cố, các hạng mục thi công chính đã cơ bản hoàn thành, khối lượng còn lại gồm: Lắp dựng hàng rào 200m; Thi công bê tông mặt đường 500m2; Lắp dựng biển báo và dọn dẹp, hoàn thiện công trường. Các công việc thi công trên cơ bản không ảnh hưởng lớn tới giao thông đường sắt, địa điểm thi công không cần phải giảm tốc độ chạy tàu.

Ban QLDA 85 cho biết, vụ va chạm xảy ra tại điểm thi công Km1201+500 thi công hạng mục hàng rào, đường gom đoạn 7 (Km1201+400 - Km1201+888) thuộc gói thầu số 8, Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016-2020) do Ban làm chủ đầu tư.

Sau sự cố, Ban đã yêu cầu nhà thầu và tư vấn giám sát kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan, thực hiện bồi thường thiệt hại và chấn chỉnh thực hiện các biện pháp an toàn lao động, an toàn đường sắt theo đúng biện pháp thi công được duyệt và hợp đồng đã ký kết.

Thông tin cụ thể vụ việc, nhà thầu thi công chính (Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3) cho biết, ngày 8/10, máy đào thi công đoạn vuốt nối và dọn dẹp vật liệu thừa tại đầu đường gom, sau đó về bãi tập kết.

Trong quá trình di chuyển, tài xế lái máy đã thiếu quan sát, điều khiển máy vi phạm vào khổ giới hạn ATGT đường sắt. Tại thời điểm đó có tàu SE8 di chuyển đến, cán bộ kỹ thuật nhà thầu đứng gần đó làm công tác an toàn hô hoán nhưng do tài xế lái máy xúc không nghe thấy vẫn cho máy lùi nên va chạm đã xảy ra, làm đầu máy bị rạn phía trước, rơi thùng đựng cát.

Nhà thầu chính đã tiến hành họp, xác định nguyên nhân chính là do tài xế lái máy thi công không quan sát, đơn vị thi công không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công phạm khổ giới hạn an toàn đường sắt.

Tại cuộc họp đã kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vụ việc, trong đó có nhà thầu phụ thi công trực tiếp đoạn đường gom là Công ty CP Xây dựng và thương mại Mai Dương. Công ty Mai Dương cũng đã nộp số tiền bồi thường theo đúng yêu cầu của Tổng công ty Đường sắt VN.

Xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra mất an toàn đường sắt

Đại diện Ban 85 cho biết, do triển khai thi công dự án trên đường sắt đang khai thác nên công tác đảm bảo an toàn, nhất là ATGT đường sắt được quan tâm, chú trọng.

Với mỗi hạng mục thi công, trước khi thi công nhà thầu phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn trong thi công, trong đó có đảm bảo ATGT đường sắt và phải được tư vấn giám sát chấp thuận.

img

Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn thi công, ATGT đường sắt

Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát và cán bộ dự án đại diện cho chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác thi công tại hiện trường, trong đó có việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.

Cụ thể, đối với thi công kiến trúc tầng trên đường sắt, tức là thi công trực tiếp trên đường sắt, liên quan đến thay đá, ray, tà vẹt..., có người trực ở hai đầu ga, khi có tàu sẽ báo cho đội thi công để đảm bảo an toàn cho tàu qua. Đồng thời có nhân viên chuyên trực cảnh giới an toàn tại vị trí thi công.

Đối với các hạng mục thi công ngoài đường sắt như hàng rào, đường gom thì chăng dây xác định phạm vi an toàn thi công và cử người trực cảnh giới.

Phía Tổng công ty Đường sắt VN cũng có các nhân viên đường sắt như tuần đường, cung đường kiểm tra, nếu phát hiện có vấn đề ảnh hưởng đến kĩ thuật, an toàn chạy tàu trong quá trình triển khai thi công sẽ nhắc nhở trực tiếp hoặc báo chủ đầu tư để chấn chỉnh nhà thầu, khắc phục.

Ban cũng phối hợp với lực lượng thanh tra của Cục Đường sắt VN, các đơn vị đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt VN kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình đường sắt đang khai thác nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. Trường hợp cá nhân, đơn vị nào vi phạm biện pháp an toàn, để xảy ra sự vụ đe dọa mất ATGT đường sắt sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

“Tới đây, Ban tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đường sắt để đảm bảo an toàn công trình đường sắt đang khai thác nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tuân thủ biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn được duyệt nhằm đảm bảo không xảy ra các trường hợp mất an toàn chạy tàu tương tự.”, đại diện Ban 85 cho hay.

Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu và hoạt động vận tải đường sắt. Có các biện pháp, hình thức xử lý cụ thể, có tính răn đe các nhà thầu để xảy ra sự cố mất an toàn trong quá trình thi công nói chung.

Đồng thời, các ban QLDA yêu cầu lực lượng điều hành dự án, tư vấn giám sát thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra giám sát việc thực hiện các điều kiện an toàn trong trong quá trình thi công.

Các nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nhân lực thường trực tại hiện trường để kiểm tra, phát hiện các vị trí thi công có nguy cơ gây mất an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn. Khi xảy ra sự cố mất an toàn kịp thời huy động nhân lực, thiết bị, vật tư để khắc phục, cứu chữa sớm nhất; Khắc phục thiệt hại về vận tải, công trình, kinh phí cứu chữa...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.