Kết nối với mạng lưới đường sắt Việt Nam và các cửa khẩu quốc tế
Bộ GTVT vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri Hải Phòng về đầu tư phát triển hệ thống đường sắt kết nối Hải Phòng với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, trong đó có tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trước đó, cử tri Hải Phòng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống đường sắt kết nối Hải Phòng với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và các tỉnh, thành khác để mục tiêu phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của cả nước và khu vực theo tinh thần Nghị quyết 45/2019 của Bộ Chính trị.
Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch mạng lưới) đã phê duyệt, trong tương lai khu vực TP Hải Phòng sẽ hình thành đầu mối đường sắt bao gồm ba tuyến đường sắt: Tuyến Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu và hai tuyến đường sắt xây mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.
Các tuyến này kết nối với mạng lưới đường sắt Việt Nam và các cửa khẩu quốc tế có kết nối đường sắt như cửa khẩu Đồng Đăng đi Quảng Tây - Trung Quốc, cửa khẩu Lào Cai đi Vân Nam - Trung Quốc...
Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đến năm 2030, phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn...); đến năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị và triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phấn đấu khởi công và xây dựng trong giai đoạn 2026-2030.
Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai lập quy hoạch chi tiết hai tuyến đường sắt (Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái) để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 388km
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài dự kiến khoảng 388km; Điểm đầu là ga Lào Cai - tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc, thuộc thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối là ga cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Khu vực tuyến đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Về quy mô, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng song song với đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến ga Nam Hải Phòng kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, kết nối với quốc tế với Trung Quốc tại Lào Cai: Đường đôi, khổ 1.435mm, chiều dài khoảng 102km (đến năm 2030); hoàn thành tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trên hành lang trọng yếu (đến năm 2050).
"Hiện Ban đang trình nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với đoạn đường sắt từ Hải Phòng kết nối Hạ Long, Cái Lân (Quảng Ninh) theo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang được Cục Đường sắt VN lập, sẽ nghiên cứu đầu tư tiếp sau khi quy hoạch được phê duyệt", đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận