Đường thủy

Tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn đường thủy

19/12/2024, 16:45

Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II siết quản lý cảng, bến, chú trọng phối hợp kiểm tra liên ngành, qua đó tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, an toàn.

Siết quản lý cảng, bến, phương tiện

Cuối năm, nhu cầu vận tải tăng cao, các cảng, bến địa bàn Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Cống Câu (Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II) quản lý tấp nập các phương tiện thủy ra, vào xếp, dỡ. Các cảng vụ viên bận rộn, lúc thì làm thủ tục tại trụ sở, lúc thì ra hiện trường kiểm tra các điều kiện về phương tiện, người lái theo quy định, an toàn mới cấp phép xuất bến.

Ông Phạm Roãn Hưng, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Cống Câu cho biết, đơn vị quản lý các cảng, bến thủy nội địa trên 6 tuyến sông Thái Bình, Sông Kinh Môn, Sông Lai Vu, Sông Mía, Sông Gùa, Sông Cầu Xe, tổng số 256km. Trong phạm vi quản lý có 14 cảng thủy nội địa, 49 bến thủy nội địa đã được cấp phép; ngoài ra còn có 24 bến hết hạn hoạt động và một số vị trí chưa được công bố, cấp phép.

Tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn đường thủy- Ảnh 1.

Các cảng vụ viên kiểm tra các điều kiện quy định về cảng, bến, phương tiện, người lái (Ảnh: minh hoạ).

Để đảm bảo an toàn cảng, bến, phương tiện, đại diện đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, tăng cường kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện... theo các quy định hiện hành.

Ở khu vực Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nhã, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Hà Nội cho biết, đơn vị được giao quản lý một phần trên 3 tuyến sông trung ương với tổng số 274,4km và quản lý 28 các cảng, bến thủy nội địa còn thời hạn hoạt động trên một phần các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Đà. Ngoài ra còn có 63 bến hàng hóa đã hết hạn hoạt động, 20 bến hàng hóa không phép và 28 bến khách ngang sông.

Địa bàn rộng, phức tạp nên Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác quản lý cảng, bến để đảm bảo an toàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cảng, bến; đôn đốc cảng, bến làm mới, sơn, sửa lại báo hiệu theo đúng quy định. Các chủ cảng, bến đã được hướng dẫn các thủ tục để công bố, cấp lại giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa.

Tổ chức ký cam kết cho các cảng, bến trong khu vực quản lý, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ và bảo vệ môi trường. Trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động cảng, bến; kiểm tra cấp thủ tục vào, rời cho phương tiện, các cảng vụ viên luôn tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở thông qua các biên bản kiểm tra. Đối với trường hợp vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, đại diện đã kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với toàn Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, Giám đốc Lê Đức Cường cho biết, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch của đơn vị.

Tăng cường phối hợp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy tại các cảng, bến hành khách và các khu vực tổ chức lễ hội rước nước trong mùa lễ hội; tham gia các đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác bến thủy nội địa trên đường thủy quốc gia.

Tổ chức rà soát các hoạt động vận chuyển, chuyển tải, tiếp nhận xăng dầu thuộc tại 117 cảng, bến gồm 102 cảng chuyên dùng và hàng hóa, 15 bến thủy kinh doanh xăng dầu, đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về ứng phó sự cố tràn dầu của các đối tượng. Đôn đốc các doanh nghiệp bố trí đủ nguồn lực gồm nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

"Đơn vị thường xuyên phối hợp với các sở GTVT, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc triển khai Nghị định số 08/2021 và Nghị định 06/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ; tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cảng, bến hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công bố mới, công bố lại cảng thủy nội địa", ông Cường cho hay.

Tăng cường kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm

Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cũng cho biết, đặc thù quản lý cảng, bến, phương tiện thủy nội địa trên địa bàn rộng qua nhiều tỉnh, thành, tuyến sông. Như địa bàn đơn vị quản lý trải rộng 15 tỉnh, thành phố phía Bắc, từ đồng bằng đến miền núi.

Mặt khác, hiện các bến thủy nội địa hoạt động không phép nhiều, hầu hết là các bến nhỏ lẻ, hoạt động manh mún và phát triển tùy tiện, tồn tại từ rất lâu. Thiết bị xếp dỡ chủ yếu sử dụng thiết bị tự tạo, chưa được đăng ký, đăng kiểm. Ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa chưa cao. Điều này gây nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, an toàn.

Tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn đường thủy- Ảnh 2.

Lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn đường thuỷ (Ảnh: minh hoạ).

Vì vậy, cùng các biện pháp siết chặt quản lý, cảng vụ đặc biệt coi trọng công tác phối hợp liên ngành, nhằm xử lý các tồn tại, vi phạm, thông qua đó tăng cường tuyên truyền đến các chủ cảng, bến, phương tiện, người lái. Ngay từ đầu năm, cảng vụ đã ban hành, triển khai kế hoạch công tác phối hợp kiểm tra liên ngành cấp cơ sở.

Cùng đó thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành 3 Cục Cảnh sát giao thông - Cục ĐTNĐ Việt Nam - Cục Đăng kiểm VN về việc đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy nội địa năm 2024; tham gia phối hợp 7 đợt kiểm tra liên ngành tại địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Hưng Yên. Kết quả: kiểm tra 46 cảng, bến thủy nội địa và 10 phương tiện thủy, phát hiện vi phạm của 4 bến thủy nội địa và 4 phương tiện thủy, xử phạt hơn 40 triệu đồng.

Cấp cơ sở, cảng vụ đã chủ trì, tham gia 71 đợt phối hợp liên ngành với các cơ quan, ban ngành liên quan như: Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở GTVT, lực lượng đăng kiểm, chính quyền địa phương. Kết quả: kiểm tra 386 cảng, bến, vị trí chưa được công bố cấp phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa và 53 phương tiện thủy; phát hiện 48 cảng, bến, vị trí chưa được công bố cấp phép và 18 phương tiện thủy vi phạm, xử phạt hơn một tỷ đồng.

Ở cấp đại diện, ông Nguyễn Hữu Nhã cho biết thêm, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội đã triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành cơ sở bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ năm 2024 giữa Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội, Đội Cảnh sát đường thủy số 1, số 2 - Công an TP Hà Nội, Chi Cục đăng kiểm số 1 và UBND các địa phương.

Theo đó trong 11 tháng năm 2024, đại diện đã tham gia 22 đợt phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý đối với các cảng, bến, phương tiện thủy nội địa; tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi bảo đảm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xử lý các vi phạm trên địa bàn. Qua đó đã kiểm tra 78 cảng, bến và xử phạt với số tiền hơn 300 triệu đồng; kiểm tra 12 phương tiện và xử phạt với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II triển khai nhiều giải pháp an toàn cảng bếnCảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II triển khai nhiều giải pháp an toàn cảng bến

Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo an toàn cảng bến trên địa bàn 15 tỉnh phía Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.