Phát huy tiềm năng tự nhiên, thúc đẩy đầu tư
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Đường thủy nội địa VN thời gian qua, đóng góp tích cực vào kết quả nổi bật của toàn ngành GTVT.
Bộ trưởng nhấn mạnh truyền thống 68 năm vẻ vang của ngành đường thủy nội địa (1956-2024) cũng như những đóng góp to lớn của ngành đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trong suốt lịch sử kháng chiến chống Mỹ, xây dựng đất nước sau thống nhất và giai đoạn đổi mới, phát triển kinh tế những năm qua.
"Cán bộ công nhân viên đường thủy cần phát huy truyền thống, tiếp tục nỗ lực, phát huy lợi thế, tiềm năng của điều kiện tự nhiên với tổng chiều dài khoảng 41.900km tuyến sông, kênh, hơn 3.600km đường bờ biển để khai thác, thúc đẩy vận tải thủy", Bộ trưởng nói.
Định hướng nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, sao cho thuận cho doanh nghiệp, lợi cho người dân.
Cùng đó, tăng cường kết nối đường thủy với các phương thức vận tải khác theo quy hoạch tổng thể các phương thức vận tải khác và lộ trình đầu tư để phát huy hiệu quả, giảm chi phí logistics vì vận tải thủy giá thấp nhất. Từ đó sẽ đầu tư thúc đẩy phát triển vận tải thủy tại các khu vực có lợi thế như miền Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng cũng yêu cầu duy trì hệ thống quản lý minh bạch, hiệu quả, hiện đại. Văn bản xin ý kiến của các cơ quan, chậm nhất phải một tuần có văn bản trả lời. Cơ quan nào, cá nhân nào "khó dễ", sẽ phải chịu trách nhiệm. Cùng đó, phải chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN báo cáo Bộ trưởng những tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của đường thủy thời gian qua.
Theo đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng ĐTNĐ còn thấp, chỉ chiếm chưa đến 2% toàn ngành GTVT. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hạ tầng ĐTNĐ, như: Chưa có chính sách ràng buộc tỷ trọng gom hàng hàng ĐTNĐ tại cảng biển; chế độ phí cần có định hướng khuyến khích mạnh hơn; ưu tiên đầu tư chưa phù hợp quy mô quá lớn, chưa phù hợp với lĩnh vực ĐTNĐ; hoạt động đầu tư còn một số khó khăn về quy hoạch, đất, giao đất, công trình ngoài đê.
Mặt khác, còn tồn tại nhiều cảng, bến thủy nội địa không phép, quá hạn. Mặc dù Cục ĐTNĐ Việt Nam đã phối hợp với các địa phương để khắc phục nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành còn chưa đồng bộ, cần tiếp tục tăng cường hoàn thiện trong thời gian tới. Công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm, cần tiếp tục đẩy mạnh.
"Thời gian tới Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế, tăng cường hơn nữa kết nối ĐTNĐ với các phương thức khác, đảm bảo vận tải đa phương thức thông suốt. Nâng cao công tác quản lý cảng, bến, làm việc với địa phương xử lý hiệu quả tình trạng bến không phép, hết phép.
Cùng đó, có giải pháp thu hút đầu tư vốn tư nhân, vốn nước ngoài và các nguồn vốn khác. Hệ thống Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực…", ông Thu nhấn mạnh.
Vận tải tăng trưởng, tăng cường hợp tác quốc tế
Trước đó, thông tin tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm 2024, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp và hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác. Trong đó đã ban hành hơn 4.000 công văn, hơn 1.800 quyết định, 19 công điện, 33 thông báo kết luận với tinh thần cải cách, đổi mới, phân cấp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Những kết quả mà ngành ĐTNĐ đạt được góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành GTVT, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, công tác quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm ATGT được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải thủy nội địa. Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các nội dung của đề án tuyến vận tải thủy kiểu mẫu ICD Quế Võ - cảng biển Hải Phòng; chủ động xây dựng Đề án thí điểm mở rộng phạm vi hoạt động của phương tiện VR-S1 trên tuyến cửa sông Văn Úc - cảng biển Lạch Huyện và tuyến từ Cửa Tiểu - cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Cùng đó, phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại với khoảng 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa. Đối với hoạt động vận tải đường thủy theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia, Cục đã tổng hợp được 10 nội dung còn tồn tại, vướng mắc báo cáo Bộ GTVT có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương cho ý kiến đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội.
Về sản lượng vận tải năm 2024, vận tải hành khách ước tăng 11,1%, vận tải hàng hóa tăng 11,2% so với năm 2023. Trong đó sản lượng vận tải tuyến Việt Nam - Campuchia tiếp tục tăng trưởng mạnh, riêng hàng container đạt khoảng 490.000 Teus, tăng 23% so với năm 2023.
Trong công tác đảm bảo ATGT, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong các dịp lễ, tết năm 2024, tập trung vào những vị trí nguy hiểm trên các tuyến. Tổ chức 4 đoàn tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực ĐTNĐ, 9 đoàn đôn đốc công tác bảo đảm TTATGT và 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định.
Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai được tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong năm 2024, Cục đã triển khai 10 công trình nạo vét đảm bảo giao thông; 4 công trình sửa chữa kè; 4 công trình thanh thải vật chướng ngại; 8 gói sửa chữa, thay thế báo hiệu; bổ sung, thay thế đèn báo hiệu với tổng kinh phí 974 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 giải ngân nguồn sự nghiệp đạt 97%.
Công tác khoa học, công nghệ - hợp tác quốc tế và môi trường được thực hiện chủ động với nhiều đổi mới. Trong đó các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương như: Tổ chức Hội nghị song phương thường niên năm 2024 giữa hai Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy Việt Nam - Campuchia tại Siêm Riệp - Campuchia; tham gia tổ chức Hội nghị lần 2 Ủy ban liên hợp Việt - Trung, tại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao GTVT ASEAN lần thứ 58 (STOM 58), Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 30 (ATM 30) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Tổ chức thực hiện Dự án "Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Công - Lan Thương" về vận tải đường thủy…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận