Thiếu nhất quán trong đánh giá phương án tài chính
Thông tin về tình hình giải quyết vướng mắc nguồn vốn cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT cho biết, vốn vay JICA chưa được giao cho VEC căn cứ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội về việc chưa phân bổ vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đường cao tốc VN (VEC). Cũng vì thế, từ năm 2019, các gói thầu J1 và J3 đã tạm dừng thi công.
Khó khăn về nguồn vốn đối ứng khiến một số gói thầu dự án Bến Lức - Long Thành phải tạm dừng thi công - Ảnh minh họa
Để tháo gỡ vướng mắc, Quốc hội đã có Nghị quyết số 63 ngày 16/6/2022 chấp thuận chủ trương chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đề xuất nhu cầu vốn của VEC từ nguồn ngân sách nhà nước cho dự án là 4.744 tỷ đồng vốn ODA và 758 tỷ đồng vốn đối ứng, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH-ĐT), Bộ Tài chính về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chủ trương chuyển đổi nguồn vốn.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 57,8 km được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tháng 10/2010, hoàn thành trong năm 2023.
Tổng mức đầu tư dự án 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: vốn vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vốn vay JICA (hơn 11.975 tỷ đồng) và vốn đối ứng (hơn 5.689 tỷ đồng).
Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp. Tổng khối lượng thi công hiện đạt 79,57%.
Tháng 8/2022, Chính phủ có Tờ trình số 274 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ và được thông qua.
“Ngày 4/9/2022, Bộ KH-ĐT có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ quyết định giao bổ sung kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương từ số vốn còn lại chưa phân bổ. Dự kiến, thủ tục giao kế hoạch vốn cho dự án sẽ hoàn thành trong tháng 9/2022”, Bộ GTVT thông tin.
Về vốn vay ADB, theo Bộ GTVT, do Hiệp định vay ADB lần 1 để thực hiện các gói thầu đoạn phía Tây đã đóng ngày 30/6/2019 nên cần thực hiện thủ tục đề xuất ADB chấp thuận sử dụng vốn của Hiệp định vay lần 2 (hết hạn ngày 30/12/2023) để thi công khối lượng còn lại đoạn phía Tây chưa được thực hiện ở Hiệp định vay lần 1.
Quá trình lấy ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước) và các Bộ liên quan, một số vướng mắc được đề nghị làm rõ như: các điều kiện vay lại theo quy định của Luật quản lý nợ công 2017; Cập nhật lại các giả định về điều kiện vay lại của VEC, tính toán lại phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc của VEC đảm bảo khả năng trả nợ của VEC.
Trường hợp không thể sử dụng vốn ADB, VEC phải thu xếp nguồn vốn khác để thay thế. Dự phòng tình huống này, Bộ GTVT đã yêu cầu VEC so sánh phương án sử dụng vốn ADB với việc sử dụng vốn của VEC để thực hiện các công việc còn lại của đoạn tuyến phía Tây, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.
Thông tin thêm, Bộ GTVT cho biết, từ năm 2019 đến nay, sau khi chuyển đại diện chủ sở hữu của VEC từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, do vướng mắc nhiều quy định pháp luật liên quan, các dự án của VEC chưa được bố trí vốn đối ứng (khoảng 130 tỷ đồng) để tiếp tục thực hiện, hoàn thành đầu tư, thanh toán nợ xây dựng cơ bản.
Để giải quyết nội dung này, tháng 6/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì họp và có ý kiến: “VEC chịu trách nhiệm cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để thực hiện dự án”. Do đó, Bộ KH-ĐT chưa trình Chính phủ quyết định cơ chế vốn đối ứng cho Dự án Bến Lức - Long Thành.
Tìm hiểu của PV, tại báo cáo mới nhất gửi Chính phủ ngày 16/9/2022 về bố trí vốn đối ứng cho dự án Bến Lức - Long Thành, Bộ KH-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC, từ năm 2011 - 2018, dự án Bến Lức - Long Thành đã được bố trí hơn 3.882 tỷ đồng vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước. Còn lại khoảng 1.807 tỷ đồng (tạm tính theo quyết dịnh đầu tư) chưa được bố trí.
Qua tổng hợp, ý kiến của các cơ quan còn chưa thống nhất. Trong đó, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng phương án VEC tự cân đối số vốn đối ứng (758 tỷ đồng) tiếp tục triển khai dự án Bến Lức - Long Thành là khả thi.
Bộ Tài chính đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến ảnh hưởng phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án của VEC.
Ý kiến của VEC về vấn đề này cũng chưa có sự nhất quán. Tại văn bản số 408 ngày 11/3/2022, VEC khẳng định đối với phương án VEC xây dựng, dòng tiền sau thế, lũy kế luôn dương, đảm bảo khả năng trả nợ. Chỉ trong trường hợp phải trả khoản lãi phát sinh của khoản nợ trái phiếu Chính phủ thì sẽ có nguy cơ mất cân đối tài chính, phá vỡ dòng tiền hoạt động.
Tuy nhiên, tại văn bản số 1558 ngày 18/7/2022, VEC lại cho rằng sẽ mất cân đối tài chính, không có khả năng trả nợ và phá vỡ dòng tiền hoạt động của VEC từ năm 2025 trong trường hợp phải trả khoản tiền gốc, lãi trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả cho các dự án của VEC (hơn 5.334 tỷ đồng) theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
VEC tự cân đối vốn đối ứng để tái khởi động dự án Bến Lức - Long Thành là kiến nghị được Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Ảnh minh họa
Khoanh lãi phát sinh, sử dụng vốn của VEC tái khởi động dự án
Xác định vướng mắc của các dự án do VEC làm chủ đầu tư là vấn đề lâu dài, cần có thời gian giải quyết căn cơ, đảm bảo khả năng trả nợ và tiếp tục hoạt động của VEC, Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ thông qua Nghị quyết về việc giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng để đảm bảo có thể tiếp tục triển khai ngay dự án.
Đồng thời, giao Ủy ban Quản lý vốn chỉ đạo VEC tính toán, cập nhật lại các thông số đầu vào (vốn đối ứng tiếp tục cho các dự án, vốn ODA chuyển từ vay lại sang cấp phát ngân sách nhà nước, vốn AB, WB,…) tính toán lại tổng thể phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ của VEC, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Bộ GTVT, trong khi chờ giải quyết các thủ tục về nguồn vốn, VEC đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VEC chủ động cân đối, sử dụng vốn của VEC để tái khởi động thi công, giải ngân cho dự án; đồng thời, bổ sung phần vốn VEC tự thu xếp vào cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án.
“Đối với các phần công việc các nhà tài trợ đồng ý tiếp tục tài trợ vốn, ngay khi dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn, VEC sẽ thực hiện ngay thủ tục thu hồi phần vốn VEC đã sử dụng, giải ngân cho các nhà thầu.
Các phần công việc các nhà tài trợ không đồng ý tài trợ vốn hoặc không thể giải ngân trong thời gian có hiệu lực của hiệp định vay, VEC sẽ bố trí vốn để thực hiện và tính toán vào phần vốn VEC huy động trong tổng mức đầu tư để thực hiện dự án”, VEC đề xuất.
Để VEC có thể cân đối được nguồn vốn từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để đầu tư vào dự án và đảm bảo khả năng trả nợ (bao gồm trả lãi, gốc trái phiếu và trả nợ khoản vay nước ngoài), VEC cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VEC khoanh lại phần lãi phát sinh của khoản tiền hơn 5.334 tỷ đồng từ năm 2012 đến hết ngày 31/12/2021 là hơn 4.561 tỷ đồng và không tính lãi phát sinh từ năm 2022 trở đi.
“VEC xin hoàn trả khoản tiền lãi hơn 4.561 tỷ đồng trong vòng 5 năm từ năm 2030 đến năm 2034, mỗi năm hơn 912 tỷ đồng để không ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của VEC”, VEC khẳng định.
Trước đó, trong quá trình chờ cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về vốn cho dự án, để sớm thi công trở lại, hạn chế khiếu kiện, VEC đã sử dụng nguồn vốn hợp pháp, nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của VEC để thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản (gói thầu J1, J2, J3) và dự kiến sử dụng 750 tỷ đồng để tái khởi động dự án nhằm hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Tuy nhiên, một số nhà thầu yêu cầu VEC làm rõ tính pháp lý của nguồn vốn này và vẫn trì hoãn việc tái khởi động thi công trên công trường.
VEC cũng đã chủ động sử dụng vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ của VEC để tạm ứng đủ vốn (khoảng 21 tỷ) theo yêu cầu của các địa phương để kịp thời thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận