Quản lý

Vốn Nhà nước trong dự án PPP bao nhiêu là hợp lý?

21/11/2023, 06:06

Tăng tỷ lệ vốn ngân sách tham gia dự án đối tác công tư (PPP) sẽ tạo sức hút trong việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, song tỷ lệ bao nhiêu là vấn đề đang được bàn luận.

Dự án lớn chờ Nhà nước "bơm" vốn

Cuối năm 2022, HĐND UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.

Đây là mảnh ghép quan trọng trong việc hoàn thành hệ thống đường bộ xuyên suốt hơn 200km Dầu Giây - Liên Khương, góp phần giảm tải cho quốc lộ 20, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, việc huy động vốn gặp không ít thách thức.

Một doanh nghiệp trong liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án (xin giấu tên) cho biết, theo chủ trương được duyệt, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước chỉ tham gia khoảng 7.761 tỷ đồng (39,76%), còn lại do nhà đầu tư huy động.

Vốn Nhà nước trong dự án PPP bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 1.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất cho phép tăng tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước vào dự án PPP từ không quá 50% lên không quá 70% (Trong ảnh thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt). Ảnh: Tạ Hải

"Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia chưa chạm đến hạn mức tối đa Luật PPP cho phép (50%) khiến thời gian hoàn vốn của dự án kéo dài tới 22 năm 4 tháng. Đó là lý do khiến các ngân hàng chưa mặn mà trong việc tài trợ vốn vay", đại diện doanh nghiệp nói và cho biết, ngân hàng thường dành sự quan tâm đối với các dự án có thời gian hoàn vốn dưới 20 năm, thời gian trả nợ dưới 15 năm.

Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng, vốn góp của Nhà nước sẽ được xem xét điều chỉnh tỷ lệ tối thiểu từ 50% trở lên để đảm bảo tính khả thi.

Vị đại diện cũng cho biết, tham chiếu các dự án cao tốc thực hiện theo phương thức PPP gần đây triển khai thành công đều có tỷ lệ vốn Nhà nước ở mức cao, phương án tài chính khả thi. Điển hình là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (vốn Nhà nước 56%, thời gian hoàn vốn 18 năm 11 tháng); Nha Trang - Cam Lâm (vốn Nhà nước 54%, thời gian hoàn vốn 18 năm 10 tháng).

Một dự án khác là tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, lộ trình đầu tư đã được đẩy từ sau năm 2030 lên trước năm 2030. Tuyến này có chiều dài hơn 93km được triển khai theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng, chiếm gần 46%.

Đến nay, việc chốt hạn mức vốn vay cấp cho dự án vẫn chưa được phía các ngân hàng đưa ra chính thức.

"Ngân hàng vẫn đang thực hiện thẩm định và chưa thể trả lời chính xác một con số ở thời điểm này», đại diện doanh nghiệp tham gia dự án chia sẻ.

Nhằm tăng sức hút, tỉnh Cao Bằng đã có văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho dự án "xin" thêm hơn 3.200 tỷ đồng. Khi ấy, tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại dự án được nâng lên gần 70% tổng vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn sẽ tiệm cận với kỳ vọng của phía ngân hàng.

Bám sát tiến trình đầu tư một số dự án như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN đánh giá, các cuộc đàm phán, tìm nhà đầu tư tài chính đều gặp trở ngại do công trình qua các vùng địa hình phức tạp, chi phí đầu tư lớn, lưu lượng phương tiện chưa cao.

Vì thế, việc áp dụng cơ chế thí điểm tăng vốn góp của Nhà nước là cần thiết. Với một số dự án nối các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước tới các vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ vốn góp của Nhà nước cần nghiên cứu tăng lên 70-75%. Khi ấy, tổ chức ngân hàng mới có thể đồng ý ngồi vào đàm phán với nhà đầu tư về các khoản tín dụng.

Tỷ lệ quá lớn sẽ khó đảm bảo hiệu quả

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất cho phép tăng tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước vào dự án PPP từ không quá 50% lên không quá 70% (thay vì không quá 50% như quy định hiện hành). Đa số đại biểu Quốc hội tán thành về chủ trương này (dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6).

Vốn Nhà nước trong dự án PPP bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 2.

Đến nay, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chưa thể khởi động do việc huy động nguồn vốn vẫn gặp phải không ít thách thức

Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, các dự án chuẩn bị đầu tư chủ yếu là dự án kết nối vùng, dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nếu vốn Nhà nước chỉ tham gia với tỷ lệ 50% hoặc thấp hơn sẽ không bảo đảm hiệu quả tài chính.

Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó cho phép nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP là rất cần thiết.

Ủng hộ đề xuất tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 70%, ông Thành cho rằng, khi tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP quá lớn, hiệu quả đầu tư theo phương thức PPP là không lớn.

Trường hợp này, cấp có thẩm quyền nên cân đối thêm vốn Nhà nước để triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí (bao gồm cả trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì) cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn đầu tư. Đây cũng là một hình thức phù hợp để huy động nguồn lực xã hội.

"Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia cụ thể ở mức nào thì phải xem xét thông qua tính toán phương án tài chính", ông Thành nói.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong đầu tư các dự án BOT giao thông cho rằng, đối với một dự án PPP, mức vốn tham gia của Nhà nước chỉ nên dừng ở tỷ lệ không quá 70%. Nếu nâng tỷ lệ cao hơn, việc hút vốn xã hội hóa không có nhiều ý nghĩa.

"Thực tế, thời gian hoàn vốn có thể thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng hiện nay dao động từ 10-20 năm, lý tưởng nhất là 15 năm trở xuống. Tùy vào đặc thù từng dự án, tỷ lệ góp vốn của Nhà nước cần cân đối sao cho dự án có được phương án tài chính khả thi nhất", vị này nói. 

Việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP nhiều hơn 50% như quy định hiện hành là cấp thiết. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí xác định rõ phạm vi áp dụng cơ chế đặc thù này. Trong đó, các dự án PPP nên được ưu tiên xem xét là các dự án dẫn tới các vùng sâu, vùng xa; các dự án đường cao tốc đi qua các vùng có địa chất công trình phức tạp, nguồn vật liệu khan hiếm. Ngoài ra, cũng cần tăng tỷ lệ vốn Nhà nước cho các dự án mà ở đó có ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đột phá góp phần đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình của dự án, để khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà thầu vươn lên ngang tầm quốc tế.

PGS.TS Trần Chủng


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.